Vidifi lo phá sản vì gánh nặng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Việc không nhận được các khoản hỗ trợ từ Nhà nước cho Dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng như kế hoạch đang khiến lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) như ngồi trên lửa.
Nhỏ giọt các khoản hỗ trợ
Sự bấp bênh về tài chính đeo đuổi Vidifi trong vai trò là doanh nghiệp dự án của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong suốt 5 năm qua hiện vẫn chưa có nhiều cải thiện, khi hầu hết các khoản hỗ trợ tài chính của Nhà nước tiếp tục bị treo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Anh Tú, quyền Tổng giám đốc Vidifi cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp dự án đang đôn đáo gõ cửa Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính để xin hướng dẫn giải ngân đối với khoản hỗ trợ đầu tiên của ngân sách nhà nước (NSNN) trị giá 1.351 tỷ đồng hỗ trợ thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ từ đầu tháng 11/2019.
“Do công tác đền bù giải phóng mặt bằng của công trình đã được thực hiện từ 7 – 10 năm trước, nên việc hạch toán số tiền hỗ trợ này trong cơ cấu tổng mức đầu tư và phương án tài chính của Dự án là việc chưa có tiền lệ”, ông Tú giải thích.
Cần phải nói thêm, ngay cả khi được giải ngân sớm, thì khoản tiền 1.351 tỷ đồng này cũng chỉ là rất nhỏ so với gói hỗ trợ tổng thể từ Nhà nước để đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án. Tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết của Nhà nước cho Dự án BOT đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nhà nước cam kết hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư công trình (khoảng 17.000 tỷ đồng/47.000 tỷ đồng).
Cụ thể, gói hỗ trợ cho Dự án này gồm 3 khoản: hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng (4.069 tỷ đồng); chuyển đổi cơ chế tài chính đối với các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD thành vốn Nhà nước tham gia dự án; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án khu đô thị, khu công nghiệp được giao tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 (4.723 tỷ đồng).
Thời hạn để kích hoạt các khoản hỗ trợ nói trên là sau 2 năm kể từ khi Dự án được đưa vào khai thác.
Với khoản hỗ trợ đó, sau khi cập nhật các thông số như các khoản thu, chi thực tế để tính toán lại phương án tài chính đối với Dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg, thì thời gian hoàn vốn của dự án này là 29 năm, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 9,39%.
“Tuy nhiên, sau 10 năm kể từ ngày triển khai Dự án và 5 năm kể từ khi Thủ tướng có Quyết định số 746/QĐ-TTg, ngoại trừ 1.351 tỷ đồng đã được ghi vốn, thì toàn bộ các chính sách, hỗ trợ vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến các cấp có thẩm quyền”, ông Tú cho biết.
Áp lực nợ nần
Theo lãnh đạo Vidifi, mặc dù doanh thu thu phí tại Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang tăng trưởng rất tốt so với phương án tài chính được phê duyệt, nhưng nguồn thu phí của Dự án vẫn chưa đủ bù đắp chi phí lãi vay phải trả. Trong đó, nguyên nhân chính là các khoản tham gia của Nhà nước theo Quyết định số 746/QĐ-TTg chưa thực hiện theo kế hoạch. Chỉ tính riêng khoản chi phí giải phóng mặt bằng chưa được cấp đã làm phát sinh tiền lãi tại Dự án khoảng 1,1 tỷ đồng/ngày và số tiền lãi phát sinh lũy kế đến hết năm 2019 là 900 tỷ đồng (Vidifi đang vay VDB với lãi suất 10%/năm).
Ngoài các khoản hỗ trợ vẫn chưa được kích hoạt, mức phí sử dụng đường bộ tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 bị bó cứng trong suốt thời gian qua cũng khiến phương án tài chính của Dự án có nguy cơ không đạt như kỳ vọng.
Về nguyên tắc, mức giá phí trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Vidifi quyết định trong từng thời kỳ để đảm bảo yêu cầu hoàn vốn, nhưng vẫn thu hút được các chủ phương tiện đi vào đường cao tốc. Theo phương án tài chính phê duyệt, thực hiện tăng mức thu phí hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm trước đó (dự kiến là 4%/năm, bắt đầu tăng từ năm 2017), nhưng hiện Vidifi vẫn chưa được tăng giá theo lộ trình, gây ảnh hưởng đến nguồn thu của Dự án.
Trên Quốc lộ 5, mức giá hoàn vốn cho Dự án được xây dựng theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT với lộ trình tăng giá dự kiến 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 18%. Do thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, ngoài việc chưa được tăng theo lộ trình, mức giá trên Quốc lộ 5 thậm chí còn được điều chỉnh giảm so với phương án tài chính từ tháng 11/2016.
Tính chung, việc không điều chỉnh mức giá vé trên 2 tuyến đường nói trên đã khiến Vidifi hụt khoảng 440 tỷ đồng doanh thu thu phí năm 2019 so với phương án tài chính.
“Áp lực tài chính tại Dự án đang rất căng thẳng. Nếu không nhận được khoản hỗ trợ và không được điều chỉnh mức phí, thì phương án tài chính của Dự án sẽ tiếp tục bị phá vỡ với rất nhiều hệ lụy”, lãnh đạo Vidifi nhận định.
Trong năm 2019, doanh thu thu phí của Vidifi trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đạt 1.737 tỷ đồng, tại tuyến Quốc lộ 5 với 2 trạm thu phí đạt 848 tỷ đồng.
Theo Báo Đấu thầu