Construction Story #1: Haskell Company – Giải pháp Tối ưu công trình và Dây chuyền sản xuất tại Việt Nam

(HOUSELINK) – Chuyên mục Construction Story là diễn đàn để các nhà Lãnh đạo, Quản trị, Chuyên gia, Kỹ sư,… của các doanh nghiệp cùng nhau kết nối, chia sẻ và thúc đẩy giải pháp mới để phát triển năng lực xây dựng tại Việt Nam.

Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư về những nước đang phát triển, Việt Nam có tiềm năng trở thành công xưởng của thế giới. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhiều công ty Việt Nam với cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình tới thị trường châu Âu. Tuy nhiên, một công xưởng sản xuất toàn cầu mới không thể được tạo ra chỉ sau một đêm. Yêu cầu đặt ra với tất cả các ngành Công nghiệp sản xuất tại Việt Nam là tối ưu năng suất lao động và hiệu suất làm việc.

Số đầu tiên chuyên mục Construction Story, HOUSELINK đã có cuộc trò chuyện với anh Phạm Trung Hiếu –  Giám đốc phát triển dự án, Haskell Indochina về giải pháp Tối ưu cơ sở hạ tầng và Năng suất lao động cho công trình xây dựng Công nghiệp Việt Nam.

*Trước tiên cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng HOUSELINK. Anh có thể chia sẻ về giải pháp Tối ưu công trình và Dây chuyền sản xuất mà Haskell đang cung cấp tại thị trường Việt Nam?

Giữa năm 2019, Haskell bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang tập trung phát triển giải pháp Tối ưu công trình và dây chuyền sản xuất đối với các chủ đầu tư Công nghiệp tại Việt Nam.

Là tổng thầu EPC (Engineering – Procurement – Construction) có kinh nghiệm 55 năm hoạt động, Haskell không bó buộc mình trong thành phần thi công xây dựng, chúng tôi đảm nhiệm tốt vai trò thiết kế không chỉ là thiết kế công trình mà còn thiết kế dây chuyền sản xuất. Điều này đang tạo ra sự khác biệt của Haskell so với các nhà thầu khác tại Việt Nam. 

Sự khác biệt cơ bản của EPC và Design – Build thông thường là nằm ở chữ P (Procurement), tức là mua sắm trang thiết bị xây lắp và mua sắm trang thiết bị dây chuyền sản xuất – yếu tố rất quan trọng trong hợp đồng xây dựng công trình công nghiệp. Tuy nhiên, với hình thức Design – Build thông thường, các nhà thầu tại Việt Nam chỉ giải quyết được phần đầu của phần P – là trang thiết bị xây lắp. Phần P (Procurement) của Haskell bao gồm 2 thứ đó, điều này chủ đầu tư họ phải giao cho đơn vị có kinh nghiệm thực hiện, không thể giao cho nhà thầu chưa từng làm việc này bao giờ.

Nói về hiệu quả, thế mạnh áp dụng các ngôn ngữ thiết kế tiên tiến (3D, Mô phỏng hóa…) đối với công trình và dây chuyền sản xuất bên trong nhà máy góp phần đẩy nhanh tiến độ, tăng sự chính xác và tính thực tế giúp chủ đầu tư giảm chi phí phát sinh do sai sót trong thiết kế và thi công, đồng thời tạo điều kiện để vận hành nhà máy dễ dàng hơn.

Vì vậy, khi vào thị trường Việt Nam, Haskell muốn tập trung phát triển giải pháp Tối ưu công trình và dây chuyền sản xuất đối với mức đầu tư hợp lý cho các chủ đầu tư Công nghiệp tại Việt Nam. Tối ưu với mức đầu tư hợp lý ở đây tức là trong điều kiện hiện có, thay đổi 1 cách phù hợp, để đạt được lợi ích cao hơn. Giải pháp được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và mức chi tiêu của chủ đầu tư.

*Anh có thể cho biết Haskell đang có những lợi thế gì khi thực hiện giải pháp này hiện nay?

Trước đây, với 1 đề bài của chủ đầu tư, nhà thầu chỉ tập trung vào phần xây dựng mà không chú ý đến phần Engineering/kỹ thuật của dây chuyền sản xuất, phương án tiếp cận tổng thể này rất hiếm khi được thấy tại Việt Nam. Haskell đang có lợi thế đi trước trong lĩnh vực này.

Hai điểm mạnh của Haskell là Kinh nghiệm chuyên sâu và Áp dụng công nghệ hiện đại. Haskell có kinh nghiệm 55 năm hoạt động, với danh sách rất nhiều dự án đã thực hiện, kinh nghiệm làm việc với những đối tác sản xuất lớn trên thế giới như Coca, Pepsi, Starbuck, Boeing, Safran,… Haskell tự tin hoàn thành tất cả các đề bài chủ đầu tư giao cho.

Thứ hai, Haskell dùng công nghệ để giải quyết chữ E (Engineering) đầu tiên – phần cốt lõi để làm tốt phần P (Procurement) và phần C (Construction) một cách dễ dàng, nhanh chóng và tăng cơ hội đào tạo, chuyển giao cho các cán bộ, nhân viên vận hành của Chủ đầu tư ngay từ bước thiết kế. Haskell có công ty R&D chuyên biệt nghiên cứu các giải pháp mới trong công nghệ thiết kế và thi công xây dựng. Haskell sử dụng công nghệ đưa bản vẽ thiết kế vào thế giới ảo để hiện thực hóa công trình tương lai của chủ đầu tư, giúp chủ đầu tư hình dung được nhà máy tương lai của họ trông như thế nào, hoạt động ra sao.

Phạm vi Engineering (Kỹ thuật) trong EPC được hiểu rộng hơn Design, nó làm rõ tất cả những gì liên quan đến kỹ thuật của công trình và hệ thống, trang thiết bị “bên trong” công trình. Engineering định hướng phần Procurement và Construction, xác định các công việc kế tiếp (following tasks) cho các bước sau. Trong khi đó, Design tại Việt Nam thường được phân tách đối với công trình riêng và dây chuyền sản xuất riêng. Thực tế này đặt ra một vấn đề lớn “tính kết nối đồng bộ và liên tục giữa công trình và hệ thống, dây chuyền sản xuất sẽ được đảm bảo như thế nào?” Haskell tự tin về phần thiết kế được ứng dụng công nghệ, hạn chế sai lầm xảy ra thi công thực tế vì sai lầm đó đã được phát hiện trong quá trình kiểm định thiết kế bằng mô phỏng và công nghệ thực tế ảo (VR). Có nhiều thứ công nghệ đem lại mà không phải bản vẽ A4 bình thường làm được.

Thứ ba, với chuyên môn về dây chuyền sản xuất trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Bằng bề dày kinh nghiệm, mỗi lĩnh vực Haskell đều đưa ra các bộ tiêu chuẩn riêng, tương tự sách giáo khoa của từng ngành nghề với các nội dung cơ bản cần thiết; khi làm việc với các chủ đầu tư, các nội dung đặc thù theo yêu cầu sẽ được tinh chỉnh phù hợp từ các nội dung cơ bản nêu trên.

 

*Vậy có điều gì khó khăn khi cung cấp giải pháp của Haskell tới chủ đầu tư tại Việt Nam không?

Thách thức chủ yếu là thuyết phục chủ đầu tư, làm sao để họ tin tưởng giao 1 dự án “Turnkey” bao gồm dây chuyền sản xuất cho 1 nhà thầu EPC.

Tại Việt Nam, các nhà thầu chuyên về xây dựng Công nghiệp thường quan tâm, tập trung nhiều đến phần Xây dựng, chưa tập trung vào dây chuyền sản xuất nên chủ đầu tư chưa tiếp cận nhiều mô hình tương tự và thực tế cũng không có nhiều lựa chọn. Khái niệm này trước đây chưa xuất hiện nhiều nên cần thời gian để thuyết phục.

Thứ hai, có lẽ là do văn hóa, việc sao chép công nghệ, bí mật kinh doanh ở Việt Nam quá dễ dàng. Việc thuyết phục chủ đầu tư cho mình khảo sát thực địa để thực hiện tối ưu công trình và dây chuyền sản xuất cho họ đã khó, và càng khó hơn nữa để thuyết phục chủ đầu tư giao toàn bộ các công việc của dự án theo hình thức “Turnkey” cho một tổng thầu EPC thực hiện và chỉ nhận bàn giao sau khi hoàn thành.

*Với những khó khăn kể trên, anh đã có phương án gì để giải quyết? 

Khi bắt đầu tìm hiểu thị trường, mình nhận thấy năng lực thiết kế và xây dựng của các nhà thầu Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên với phân khúc thị trường Xây dựng Công nghiệp, chúng ta không thể tiếp tục sử dụng phương án tiếp cận truyền thống để tạo lợi thế cạnh tranh trên “đường cao tốc”.

Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi mong muốn kết hợp hỗ trợ các đối tác đem đến các giải pháp tối ưu hóa sản xuất cho các dự án Công nghiệp tại Việt Nam, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam trên hành trình trở thành công xưởng hiện đại của thế giới. Haskell sẽ đóng vai trò tư vấn cùng với nhà thầu Design – Build tại Việt Nam trong việc tư vấn định hướng giải pháp kỹ thuật (Engineering); tư vấn đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền (Procurement); tư vấn / giám sát các tiêu chuẩn chất lượng được đảm bảo trong quá trình triển khai sau thiết kế để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.

Đây cũng là lý do Haskell hiện đã bắt tay hợp tác với một số đối tác Việt Nam. Thực tế là các nhà thầu Việt Nam chưa quan tâm đến nội dung này, nếu quan tâm và thực sự muốn thực hiện, họ hoàn toàn có thể làm được.

Haskell vào thị trường với giải pháp mang tính xu thế tất yếu đối với Ngành xây dựng Việt Nam. Những giải pháp này không quá mới mẻ, chúng đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, tại nhiều công trình lớn, và nghĩ rằng cần thiết được áp dụng tại Việt Nam để hướng tới nâng cao năng suất sản xuất, tối ưu sản xuất cho các ngành công nghiệp Việt Nam.

*Có lẽ để giải pháp này phát triển tại Việt Nam, phụ thuộc rất lớn vào độ chín của thị trường. Động lực nào giúp Haskell tiên phong và kiên trì với giải pháp đến vậy? Haskell đang nhìn thấy tiềm năng lớn nào? 

Theo khảo sát của Haskell đã thực hiện, có hơn 20,000 nhà máy tại Việt Nam với quy mô khác nhau đang sử dụng công nghệ cách đây trên 10 năm. Công nghệ đó là công nghệ xây dựng, công nghệ trang thiết bị, công nghệ vận hành, công nghệ quản lý con người, công nghệ tổ chức sản xuất,… Tất cả công nghệ đó vẫn đang hoạt động, vẫn đang là bánh răng rất tốt của nhau, vẫn xoay tốt nhưng tốc độ xoay đó là tốc độ của 10 năm trước, nó không phải là tốc độ xoay của hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta cứ đi với tốc độ của 10 năm trước và không thay đổi theo cách tạm gọi là “bảo tồn truyền thống” thì doanh nghiệp không  có nhiều cơ hội phát triển trong “thế giới phẳng” hiện nay. Muốn phát triển, doanh nghiệp nên tự nâng cấp mình. Đối tượng mà Haskell hướng đến là những doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới, có mong muốn vươn xa.

Đánh giá tổng quan thì nhu cầu là rất lớn và cần làm rất nhanh vì Việt Nam hiện nay đang chậm hơn những con tàu sản xuất của thế giới. các doanh nghiệp mong muốn nâng cấp nhà máy, chỉ là mong muốn đến đâu, thì chúng ta chưa rõ, chúng ta sẵn sàng cho việc đó, vậy bây giờ mảnh ghép cuối cùng là giải pháp thực hiện việc đó như thế nào? Đây là bức tranh khá đầy đủ để nhìn thấy nhu cầu về việc này.

Trước mắt Haskell đang không có đối thủ cạnh tranh cung cấp giải pháp này trên thị trường. Nhiều đơn vị nước ngoài làm được điều này nhưng phân khúc họ hướng đến là những dự án khác.

Một điểm nữa, các ngành Công nghiệp mà Haskell rất mạnh và có kinh nghiệm trong cung cấp giải pháp là ngành sản xuất hàng tiêu dùng – CPG (Consumer Product Goods), Hàng không – Vũ trụ, Dược phẩm, Y tế. Tình cờ, Việt Nam cũng đang phát triển rất mạnh các lĩnh vực này. Hai điểm mạnh gặp nhau, triển vọng của Haskell tại Việt Nam được đánh giá là khả quan.

Haskell xác định sẽ gặp nhiều khó khăn trong 2 năm đầu để thực hiện giải pháp, nhưng thị trường Việt Nam tất yếu cần làm điều đó. Chúng tôi sẵn sàng bỏ công sức, thời gian để truyền tải nhận thức mới cho thị trường hiểu sự cần thiết tối ưu cơ sở hạ tầng và dây chuyền sản xuất, hiểu được thế giới đang và sẽ như thế nào, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ sản xuất thế giới. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, người Việt Nam được dùng hàng Việt tốt hơn, sản phẩm Việt Nam đi ra nước ngoài dễ dàng hơn, nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phát triển tích cực hơn.

* Cảm ơn anh với những chia sẻ trên! Hy vọng bài viết sẽ mang đến những thông tin giá trị cho những ai đang quan tâm đến những giải pháp mới trong Xây dựng Công nghiệp. 

Với mong muốn truyền tải tinh thần, kiến thức, động lực và giải pháp đổi mới cho ngành Xây dựng Việt Nam, HOUSELINK ra mắt chuyên mục Construction Story, là diễn đàn để các nhà Lãnh đạo, Quản trị, Chuyên gia, Kỹ sư,… của các doanh nghiệp cùng nhau kết nối, chia sẻ và thúc đẩy sự phát triển hoạt động Xây dựng.

Construction Story của chúng tôi sẽ xoay quanh 3 chủ đề chính:

  1. Mindset: Tư duy thực tế và cách nghĩ về những vấn đề và giải pháp cho những tồn tại đó trong ngành Xây dựng Việt Nam đến từ các Chuyên gia và Doanh nghiệp hàng đầu.
  2. Solution: Phỏng vấn các công ty phát triển, cung cấp các giải pháp để giải quyết những vấn đề trong ngành Xây dựng Việt Nam. Chúng ta rất cần cổ vũ và ủng hộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, vì họ đang đi trên con đường đầy chông gai trong việc đưa ra các giải pháp tương lai và đối mặt với nhiều khó khăn để thuyết phục thị trường.
  3. Case-study: Những câu chuyện thực tế đã triển khai thành công. Chúng ta sẽ thấy những giải pháp mới của ngành Xây dựng có lúc rất phức tạp nhưng có khi lại khá đơn giản. Qua đó, các doanh nghiệp có thêm động lực, cảm hứng và ý tưởng để bắt tay vào thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo