Xem xét kiến nghị về thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, dự án điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW có nhiều điểm ưu việt so với các dự án điện trước đây và mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho Việt Nam.
Cụ thể, dự án sẽ góp phần giảm giá bán điện, cung cấp nguồn điện sạch, ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng đang tăng nhanh của khu vực Nam bộ; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; giảm ngoại tệ do phải nhập khẩu điện trong những năm tới; giảm đầu tư và hao hụt đường truyền tải so với cấp điện từ nước ngoài, từ miền Bắc vào miền Nam.
Đối với quốc gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài FDI cho dự án nhà máy điện khí Bạc Liêu góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng, chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Tỉnh Bạc Liêu xác định dự án điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW là dự án động lực, có ý nghĩa quyết định trong 5 trụ cột kinh tế – xã hội và là 1 trong 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh Bạc Liêu; góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, giúp tỉnh Bạc Liêu sớm tự chủ ngân sách và sớm vươn lên vào nhóm các tỉnh khá trong khu vực theo chỉ đạo Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, bất chấp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, dự án vẫn khẩn trương thực hiện rất nhiều công việc và đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
Địa phương cũng như nhà đầu tư đang rất lo lắng về tiến độ của dự án, bởi theo quy định tại Quy hoạch điện VII thì Dự án phải vận hành Tổ máy đầu tiên 750 MW vào năm 2024 và vận hành toàn bộ Dự án 3.200 MW trong năm 2027.
Để đảm bảo tiến độ này, hợp đồng mua bán điện của dự án phải được ký kết chậm nhất trong năm 2021. Nếu trễ hơn, sẽ không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu quy định của Thủ tướng.
Do đó, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Tổ công tác đặc biệt và các bộ, ban, ngành ủng hộ, sớm xử lý các vướng mắc còn lại của dự án, như: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm nhà nước để thực hiện dự án; đấu nối truyền tải điện 500 KV bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia)đáp ứng theo tiến độ của Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu.
Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm nhà nước, tỉnh Bạc Liêu đề nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện khí Bạc Liêu được triển khai ngay việc đàm phán hợp đồng mua bán điện như thông lệ đã áp dụng với các dự án nhà máy điện có sử dụng vốn vay quốc tế trước đây.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành trung ương đã nêu ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án LNG Bạc Liêu về cơ chế áp dụng giá bán điện, vấn đề truyền tải điện; chính sách hỗ trợ quy đổi ngoại tệ, bảo lãnh tỷ giá; các hành lang pháp lý, chính sách liên quan đến cơ chế đầu tư, đến việc vận hành dự án trong thời gian tới….
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, qua cuộc họp cho thấy, các bộ, ngành rất quan tâm đến dự án, đặc biệt là tỉnh Bạc Liêu đã song hành cùng chủ đầu tư suốt thời gian qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là một dự án quy mô lớn, phù hợp với định hướng phát triển của ngành năng lượng quốc gia trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến từ các đại biểu để sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xử lý.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng mong các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương cần tiếp tục ủng hộ, để kịp tháo gỡ các vướng mắc, trong suốt quá trình triển khai các giai đoạn của dự án, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư./.
Nguồn: bnews.vn