Vốn FDI tăng 671,8%, Bình Phước hút vốn nhà đầu tư nước ngoài
Trước đây, các doanh nghiệp nước ngoài đến Bình Phước chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày… thì nay đã mở rộng sang các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình Phước và những con số biết nói về sức hút nhà đầu tư ngoại
Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư Bình Phước tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội quý I, phương hướng quý II/2021, kinh tế – xã hội của địa phương tiếp tục có nhiều điểm sáng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thu ngân sách đạt 3.514 tỷ đồng, đạt 46% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 31% Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, tăng 45% so cùng kỳ năm 2020.
Chỉ trong quý I/2021, Bình Phước thu hút 24 dự án có vốn đầu tư vốn nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký lên đến 325,72 triệu USD, tăng 71,4% số dự án và tăng 671,8% số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2020, đạt 162,9% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 279 dự án FDI với số vốn đăng ký 3 tỷ 278 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã thu hút 120 dự án đầu tư trong nước, số vốn đăng ký 12 nghìn tỷ đồng, tăng 17%; 1.230 DN thành lập mới năm 2020, tăng 11,8% so năm 2019. Những con số ấn tượng trên là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Bình Phước ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Những năm gần đây, nhà đầu tư ngoại nhìn nhận Bình Phước giống như một điểm đến giàu tiềm năng phát triển. Không chỉ gói gọn lĩnh vực đầu tư trong những ngành truyền thống như dệt may, da giày, nhuộm…, doanh nghiệp FDI tìm đến Bình Phước để phát triển các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Môi trường đầu tư tại Bình Phước ghi điểm ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ) – nhà sản xuất khăn giấy lớn nhất ở thị trường Đông Âu, Trung Đông và châu Phi sau khi đầu tư vào Bình Phước đã cho rằng đây là quyết định rất đúng đắn. Ngay từ khi đặt chân tới Bình Phước, doanh nghiệp đã luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương.
Tập đoàn Becamex IDC – “ông trùm” trong lĩnh vực phát triển bất động sản khu công nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực của Bình Phước trong việc thu hút các nhà đầu tư ngoại. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của địa phương đã giúp Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex – Bình Phước trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp FDI.
Yếu tố giúp bức tranh kinh tế Bình Phước trở nên sôi động
Bình Phước có diện tích lớn nhất trong số 19 tỉnh phía Nam nước ta, có quỹ đất dồi dào, tài nguyên khoáng sản phong phú . Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Bình Dương, Đồng Nai; là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên trong kết nối với TP.HCM; kết nối với nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vì thế việc giao thương kinh tế với các tỉnh thành luôn được thông suốt.
Các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13 kết nối TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia, Lào qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước về TP.HCM; tuyến đường Bình Phước – Tân Vạn xuyên suốt các khu công nghiệp với cảng biển Thị Vải – Cái Mép và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày càng được hoàn thiện.
Bình Phước cũng đầu tư một loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như đường cao tốc Đồng Phú – Bình Dương, đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành – Ðắk Nông; dự án đường sắt Dĩ An – Hoa Lư; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An.
Chính quyền tỉnh Bình Phước đã có nhiều thay đổi để bức tranh kinh tế Bình Phước sôi động hơn từng ngày với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư ngoại. Triển khai “chính phủ điện tử”, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho doanh nghiệp, xây dựng chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển… là những chủ trương mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bình Phước.
Bình Phước hiện thu hút hàng trăm doanh nghiệp FDI hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 13 Khu công nghiệp và 8 Cụm công nghiệp với diện tích tập trung chủ yếu ở Nhơn Thành, Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài. Trong đó, hai khu công nghiệp có quy mô hàng đầu do Becamex IDC phát triển tại Chơn Thành và Đồng Phú theo mô hình khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ. “Siêu dự án” Khu công nghiệp Đồng Phú với diện tích 6.300ha đang được Becamex bắt tay triển khai sẽ thu hút rất nhiều đối tác cũng như nhà đầu tư về Bình Phước bởi hệ sinh thái có sẵn của mình, hứa hẹn đưa Đồng Phú trở thành những Thuận An, Dĩ An của Bình Dương trong tương lai.
Cùng với dòng vốn đầu tư, lực lượng lao động trong và ngoài nước tới Đồng Phú ngày một đông hơn. Bức tranh kinh tế sôi động hấp dẫn các chuyên gia, cán bộ, nhân viên làm việc tại các nhà máy. Nhiều người có nhu cầu “an cư, lạc nghiệp”, gắn bó lâu dài với Bình Phước. Chính điều này cũng góp phần làm nóng thị trường bất động sản .
Theo cafef