Triển vọng tăng trưởng ngành xây dựng trong năm nay
Dòng vốn FDI vào ngành bất động sản tăng mạnh, giá vật liệu xây dựng ổn định cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định được cho là những yếu tố thuận lợi cho ngành xây dựng năm sau.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường
Năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bất động sản Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,6%, đứng thứ hai sau ngành công nghiệp, chế biến chế tạo.
Ông Trương Quang Nhật, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), đánh giá vốn FDI vào ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng mạnh. Cùng với việc có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành bất động sản tại Việt Nam. Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của ngành xây dựng trong năm sau.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) dẫn báo cáo từ The FitchGroup Company cho rằng ngành xây dựng và hạ tầng Việt Nam có kỳ vọng tăng trưởng trung bình 7,2%/năm cho giai đoạn 2017 – 2026.
Kỳ vọng này dựa trên tiềm năng tăng trưởng dân số tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, tiện ích và các công trình dân dụng. Trong khi đó, Chính phủ đang nỗ lực thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước để bổ sung vốn phục vụ cho các công trình cơ sở hạ tầng cấp thiết.
Tại TP HCM, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm như dự án đường song hành cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường Vành đai 2; dự án cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2, đoạn từ An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương, tuyến trục Bắc – Nam…được triển khai giải quyết ùn tắc giao thông.
Một số dự án lớn tại các tỉnh khác như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc, Metro Hà Nội, Nhà máy nước thải Yên Xá… cũng được lên kế hoạch triển khai. Các dự án của doanh nghiệp tư nhân như Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy sản xuất Ô tô Vinfast (Hải Phòng)… cũn được cho là yếu tố có thể hỗ trợ thị trường.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, đại diện Tập đoàn Hòa Bình nhận định, giá vật liệu xây dựng được dự đoán sẽ ổn định trong năm tới nhưng còn lệ thuộc ít nhiều vào chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Điều này có thể dẫn đến những diễn biến khó lường, đặc biệt là giá thép.
Một vấn đề khác là chi phí nhân công. Năm vừa qua, chi phí nhân công tăng do việc thay đổi của pháp luật lao động về quy định đối tượng lao động tham dự Bảo hiểm bắt buộc áp dụng từ ngày 01/01/2018. Ước tính năm 2019, chi phí này sẽ tiếp tục tăng do việc Nhà nước dự kiến tăng mức lương tối thiểu vùng lên khoảng 5,8% so với năm 2018.
Những hợp đồng nghìn tỷ
Đại diện Tập đoàn Hòa Bình nói giá trị các hợp đồng đã ký trong năm 2018 chuyển sang năm 2019 và các năm tiếp theo vào khoảng 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các thủ tục pháp lý dự án mới của các chủ đầu tư tại TP HCM và Hà Nội còn nhiều vướng mắc nên số lượng dự án mới triển khai năm 2019 có khuynh hướng giảm, vì vậy các hợp đồng xây dựng sẽ giảm theo.
Để giải quyết các khó khăn ngành xây dựng sẽ gặp phải trong năm tới, doanh nghiệp xây dựng này có các kế hoạch về việc tối ưu hóa chi phí toàn tập đoàn, đẩy mạnh phát triển mảng xây dựng công nghiệp và phát triển tham gia xây dựng các dự án tại nước ngoài.
Phối cảnh một dự án Hòa Bình trúng thầu
Năm 2019, Hòa Bình sẽ tiếp tục thi công dự án Empire City Phase 1 (3.000 tỷ), Emerald Celadon City Phase 1,2,3 (3.000 tỷ), Phú Mỹ Hưng M8 The Peak Midtown (1.600 tỷ), Alma Resort (1.500 tỷ), Imperia Sky Garden (2.500 tỷ). Công ty cũng làm tổng thầu chính cho 3 dự án mới của Tập đoàn với tổng giá trị ước tính gần 3.900 tỷ đồng. Cả 3 dự án này đều ở Hà Nội, gồm VinCity Ocean Park (Gia Lâm), VinCity Sportia (Tây Mỗ) và Vinhomes Westpoint (Từ Liêm).
Đồng thời, để nâng cao năng lực tài chính, công ty đang cùng lúc thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, tiến hành các bước để nâng cao năng lực quản lý thông qua việc quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ cùng với sự tư vấn của McKinsey nhằm chuyển đổi từ một công ty xây dựng trong nước thành một tập đoàn xây dựng quốc tế. Trong kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, Hòa Bình đã ký liên doanh với Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT làm tổng thầu các dự án của Chính phủ Kuwait.
CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) cũng nhận nhiều hợp đồng lớn trong năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, CTD đã ký nhiều hợp đồng với giá trị tương đương 20.000 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện cuối tháng 9 đạt 22.065 tỷ đồng, trong đó các dự án nhà ở dân dụng chiếm 50% giá trị.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), một trong những nhà thầu xây dựng lớn, cũng cho biết đã trúng thầu 35 công trình tổng giá trị gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2018. Tiêu biểu số này có dự án xây dựng trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trụ sở làm việc Đài Phát thanh và truyền hình Khánh Hòa, hạ tầng kỹ thuật Nam Thăng Long…
Nguồn: ndh.vn