Thời điểm chín muồi cho FDI Mỹ vào Việt Nam
Đang có nhiều thời cơ và vận hội mới để thúc đẩy đầu tư FDI Mỹ vào Việt Nam, nhất là sau chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam, diễn ra vào đầu tháng 11 tới, của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hứng khởi với các cơ hội mới
Một cách hồ hởi, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Việt Nam vào đầu tháng 11 tới để tham dự Diễn đàn APEC và thăm chính thức Việt Nam được công bố, ông Bruce Blakeman, Giám đốc Đối ngoại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Cargill cho biết, động thái này là một tín hiệu tích cực, cho thấy tầm quan trọng của khu vực cũng như Việt Nam đối với thế giới.
“Cargill là một trong những công ty đầu tiên của Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất lạc quan vào chuyến thăm này của Tổng thống Trump, đồng thời rất hứng khởi với những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Cargill hy vọng, các cuộc thảo luận của Tổng thống sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ thương mại mở và đầu tư trong khu vực”, ông Bruce Blakeman nói.
Cargill bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào năm 1995, ngay sau khi Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ và đã liên tục mở rộng đầu tư khi sau khi nhìn thấy những tiềm năng to lớn trong nhiều lĩnh vực của thị trường Việt Nam. Đầu tháng 4 vừa qua, Cargill đã khánh thành và đưa vào vận hành một dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản mới tại nhà máy Hà Nam. Và hiện đang tiếp tục xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD tại Bình Dương.
“Cargill là một trong những công ty đầu tiên của Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất lạc quan vào chuyến thăm này của Tổng thống Trump, đồng thời rất hứng khởi với những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Cargill hy vọng, các cuộc thảo luận của Tổng thống sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ thương mại mở và đầu tư trong khu vực”, ông Bruce Blakeman nói.
Thông tin cho biết, đây sẽ là nhà máy thứ 12 của Cargill tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2018. Đồng thời, một kho nguyên liệu với công suất 80.000 tấn tại cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), kho chứa ngũ cốc và hạt có dầu đầu tiên của Cargill tại Việt Nam, cũng đang được xây dựng, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
“Những dự án đầu tư mở rộng sản xuất chúng tôi đang thực hiện tại Việt Nam, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nông dân nâng cao đời sống và đầu tư vào phát triển cộng đồng sở tại là những minh chứng rõ ràng cho mức độ cam kết rất cao của Cargill tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và song hành với các đối tác, khách hàng và nông dân nhằm giúp họ phát triển thịnh vượng”, ông Bruce Blakeman nói.
Trong khi đó, với tư cách là nhà đầu tư chiến lược của dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam hiện nay, Dự án Hồ Tràm Strip – vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Philip Falcone, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Harbinger Capital Partners cho biết, ông “háo hức chờ đợi chuyến đi vào tháng 11 tới của Tổng thống Donald Trump, háo hức chờ đợi một APEC thành công”.
Philip Falcone cũng là một trong những nhà đầu tư Mỹ đã tới Việt Nam trong tháng 9 vừa qua, và đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với Chủ tịch Tập đoàn Warburg Pincus, Phó chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil và Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Boeing Thương mại (Mỹ) Kevin Mc Allister. Việc hàng loạt nhà đầu tư lớn của Mỹ tới Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua đã mang tới một luồng sinh khí mới, thổi bùng những kỳ vọng về việc đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Đây cũng chính là những hiệu ứng tốt đẹp sau chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 5 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thời điểm chín muồi cho đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam
Có một câu chuyện đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ hồi tháng 5 vừa rồi, đó là, từ cách đây 20 năm trước, các quan chức Mỹ đã thường nói rằng, “Mỹ chưa vào Việt Nam, nhưng khi Mỹ vào Việt Nam thì Mỹ sẽ đứng thứ nhất”. Nhưng chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng “có cảm giác” rằng, những doanh nghiệp lớn của Mỹ hiện vẫn chưa thật sự vào Việt Nam.
Con số 9,44 tỷ USD vốn đăng ký của Mỹ vào Việt Nam trong vòng gần 30 năm qua, có thể nói còn khá khiêm tốn so với tiềm lực mạnh mẽ của các nhà đầu tư Mỹ. Đó là điều đã luôn được khẳng định.
Song, thời điểm chín muồi cho đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đã tới, nhất là sau hai chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ, và Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam vào đầu tháng 11 tới. “Tôi cho rằng, chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh cam kết của hai nước đối với một mối quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả”, ông Bruce Blakeman đã nói thêm với Báo Đầu tư như vậy.
Một mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa hai quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng cho thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại song phương. Chưa kể, hợp tác hiệu quả trong APEC cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ.
Thông tin cho biết, không chỉ Cargill đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, mà nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ khác cũng đang có những kế hoạch tương tự. Chủ tịch Warburg Pincus khi tới Việt Nam trong tháng 10 vừa qua đã không ngần ngại ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Becamex IDC để thành lập một liên doanh có vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD, nhằm phát triển các khu kho vận hậu cần và các nhà máy xây sẵn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tầm nhìn phát triển 4 – 5 năm tới, liên doanh này thậm chí có thể nâng vốn đầu tư lên tới 1 đến 2 tỷ USD.
Còn Exxon Mobil thì vẫn đang tích cực chuẩn bị đầu tư một siêu dự án có quy mô ít nhất khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam để khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh. Khả năng là tới năm 2023, Dự án sẽ hoàn thành và từ dự án này, một trung tâm điện lực ở khu vực miền Trung sẽ được hình thành và cũng sẽ có hàng tỷ USD tiếp tục được đổ vào đây.
Sau khi tiếp các tập đoàn hàng đầu của Mỹ tại New York vào cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, rằng đây là “thời điểm chín muồi” để doanh nghiệp Mỹ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tại buổi tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius mới đây, trước khi Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Thủ tướng đã khẳng định, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở con số gần 10 tỷ USD hiện nay.
Nguồn: Báo Đầu tư Online