Thị xã Bỉm Sơn đầu tư phát triển, mở rộng đô thị
Thị xã Bỉm Sơn đã và đang tập trung xác định những chỉ tiêu phát triển không gian đô thị, chất lượng các khu đô thị mới cần đạt được làm cơ sở đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị; đồng thời, kêu gọi đầu tư thực hiện các khu đô thị mới theo quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị.
Đi đôi với đó, thị xã tập trung nguồn vốn đầu tư để chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, nhất là các khu dân cư gần với khu vực thuận lợi cho phát triển tiếp không gian đô thị; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại. Qua đó, tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị.
Thời gian qua, hạ tầng giao thông đô thị đã được thị xã Bỉm Sơn quan tâm đầu tư, một số tuyến đường nối đường trục chính được nâng cấp, mở rộng, một số tuyến đường được xây dựng mới đồng bộ trong các khu dân cư mới. Tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn hiện nay là180,4 km; trong đó, có 11 tuyến phố chính trong khu vực nội thị, với chiều dài là 36,5 km (có 5 tuyến phố được đầu tư vỉa hè, với chiều dài 15,7 km); có 47 tuyến đường nối đường trục chính, với chiều dài khoảng 20 km (đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng 8 tuyến đảm bảo có vỉa hè và điện chiếu sáng); còn lại là các tuyến đường nội bộ khu dân cư… Hệ thống nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của Nhân dân ngày càng tăng, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 95%, tổng chiều dài đường ống cấp nước đạt 185,65 km, công suất cấp nước đạt 9.600m3/ngày đêm. Hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng năm 2018, tuy nhiên công suất trạm xử lý 3.500m3/ngày đêm, nên mới chỉ đáp ứng được cho các khu đô thị hình thành mới. Hệ thống đường điện trung thế, hạ thế được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp; cùng với việc xây dựng thêm các trạm biến áp chống quá tải, đã đáp ứng được nhu cầu cấp điện cho Nhân dân và việc phát triển đô thị. Hạ tầng thông tin tại thị xã phát triển với tốc độ nhanh, nhưng việc phát triển mạng lưới hạ tầng đường dây còn tự phát, chưa đồng bộ, chưa được quản lý tốt.
Hệ thống y tế của thị xã đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Hệ thống giáo dục trên địa bàn được quan tâm đầu tư xây dựng, tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Các trường học hiện nay còn thiếu phòng học, phòng chức năng; trang thiết bị chưa đầy đủ, nhiều trường học đã xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy, học và đổi mới giáo dục. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển nhanh, tạo điều kiện thúc đẩy các loại hình kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn phát triển.
Cũng trong những năm qua, kinh tế – xã hội của thị xã Bỉm Sơn có những bước phát triển nhanh trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại – dịch vụ và du lịch; tốc độ đô thị hóa tăng và đó là các yếu tố hình thành nên các khu công nghiệp, khu đô thị, làm tăng không gian đô thị. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình tại thị xã còn nhiều bất cập, diện tích đất xây dựng toàn đô thị mới chiếm khoảng 23% diện tích toàn thị xã; diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, khoảng 3.051 ha, chiếm 47,75% diện tích toàn thị xã.
Để đầu tư phát triển, mở rộng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đồng chí Trần Xuân Việt, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, UBND thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Thời gian tới, thị xã tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu lớp học đối với các bậc học hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đô thị; trong đó, tập trung các tuyến đường trục chính, tuyến đường có tính chất kết nối các phân khu và các tuyến đường có tính chất kết nối vùng. Tiếp tục xây dựng, mở rộng không gian đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng điểm là phát triển về phía Nam và phía Tây thị xã.
Tiếp tục xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nội thị đồng bộ, góp phần chỉnh trang đô thị, gồm các tuyến trục chính, như: đường Trần Phú, đường Nguyễn Đức Cảnh, đường Tôn Thất Thuyết, đường đê Tam Điệp (từ cầu Tam Điệp đến cầu Hà Lan), với tổng chiều dài khoảng 8 km… Đến năm 2025, phấn đấu 100% các khu vực được cấp điện ổn định, không còn tình trạng quá tải; tiếp tục hạ ngầm các tuyến đường dây trung thế trong đô thị, bảo đảm mỹ quan đô thị. Sắp xếp lại đường dây và hạ ngầm đường dây cáp thông tin trên địa bàn, từng bước xóa bỏ hệ thống dây thông tin treo trên cột dọc các trục đường đô thị… Đến năm 2025, đáp ứng toàn bộ nhu cầu nước cho sản xuất tại khu công nghiệp và đưa tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch đạt 100%. Hệ thống thoát nước đô thị tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, trong đó, chú trọng xây dựng cải tạo các hồ điều hòa, hệ thống suối hiện trạng trong đô thị. Tập trung thực hiện cải tạo hệ thống suối mặt nước đô thị tại các phường Ba Đình, Lam Sơn…, xây dựng mới hệ thống mương, cống chính thoát nước tại các khu vực dân cư. Tiếp tục xây dựng phát triển thêm các mạng lưới đường ống thu gom nước thải tại các khu vực dân cư hiện nay chưa có đường ống thu gom, nhằm giải quyết triệt để việc thu gom nước thải, giảm thiểu việc xả nước thải chung vào hệ thống thoát nước mưa. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về dạy và học, nhu cầu về đổi mới giáo dục. Từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng nâng cấp, bảo tồn, tôn tạo các khu di tích đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, đình Làng Gạo… và từng bước hoàn thiện theo quy hoạch, nâng cao giá trị di tích, cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân. Xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn mang tính chất ảnh hưởng vùng, thông qua việc kêu gọi đầu tư và kết hợp với các dự án phát triển khu đô thị mới. Mở rộng không gian đô thị tại các khu chức năng theo quy hoạch, là các khu đô thị mới, khu dân cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, với đầy đủ các chức năng về nhà ở, khu thương mại, khu công cộng, giáo dục, khu hành chính… Giai đoạn 2020-2025, thị xã tập trung thu hút đầu tư để phát triển thêm không gian đô thị mới, quy mô khoảng 280 ha, tại các dự án, như: khu đô thị mới Nam Bỉm Sơn, quy mô 130 ha; khu đô thị phía Tây đường Bà Triệu, quy mô 40 ha; khu phía Đông đường Lý Thường Kiệt, xã Quang Trung 65 ha; khu dân cư Kiều Lê, quy mô 7,6 ha; khu đô thị mới dọc đường Thanh Niên, quy mô 40 ha… Đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xen cư trong khu dân cư hiện hữu thành các khu dân cư mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị, tổng quy mô khoảng 20 ha. Thị xã tập trung nghiên cứu các chính sách về hệ số sử dụng đất, về thu tiền sử dụng đất, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thực hiện. Tranh thủ tối đa, quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA đối với các dự án đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị trọng điểm.
Nguồn: Báo Thanh Hóa