Robot linh vật của Olympic và Paralympic Tokyo 2020 trình làng
Để Tokyo 2020 trở thành Thế vận hội Olympic và Paralympic có sự đổi mới, tân tiến về công nghệ nhất trong lịch sử, Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 và Toyota đang phát triển một loại “Robot linh vật” như một cách thể hiện sự chào đón nồng nhiệt tới các vận động viên và bạn bè quốc tế đến với Nhật Bản, Tokyo đã sẵn sàng cho Thế vận hội Olympic 2020.
Tên linh vật Olympic Tokyo 2020 đã được tiết lộ là Miraitowa, dựa trên các từ tiếng Nhật Mirai (tương lai) và Towa (vĩnh cửu) kết hợp. Tên này đã được chọn để thúc đẩy một tương lai tràn đầy hy vọng vĩnh cửu trong trái tim của mọi người trên toàn thế giới.
Ngoài việc chào đón các vận động viên và khách tham gia tại các địa điểm tổ chức chính thức, Toyota hiện đang nghiên cứu thêm những sản phẩm mới có thể giúp trẻ em được vui thích thông qua những robot linh vật này.
Robot linh vật sẽ có thể chuyển động các cánh tay thông qua một robot ở vị trí từ xa và chia sẻ phản hồi lực từ các tương tác.
Thông qua một camera được gắn trên đầu robot, nó có thể nhận diện những người ở gần và sau khi nhận ra, nó dùng mắt để phản hồi với họ hoặc thể hiển những biểu cảm khác nhau.
Bằng cách trang bị cho robot các đơn vị khớp thu nhỏ trên toàn bộ cơ thể giúp mang lại sự linh hoạt cho robot khi được điều khiển và người dùng có thể vận hành robot một cách an toàn và hiệu quả.
Với những khách tham dự sự kiện ở những địa điểm xa không thể có mặt trực tiếp tương tác với các vận động viên, Toyota áp dụng cách đặc biệt đó là sử dụng các robot T-HR3 và robot Linh vật.
Cụ thể, các robot T-HR3 tại các địa điểm chính thức của Thế vận hội sẽ có thể tái tạo chuyển động từ một robot linh vật ở một địa điểm xa. Ngoài việc cung cấp hình ảnh và âm thanh từ các địa điểm xa đó, những người dùng robot này cũng có thể trải nghiệm sức mạnh của chuyển động và phản hồi lực, cho phép họ có thể tương tác với các vận động viên và những người khác, giúp họ cảm thấy như thể thực sự đang có mặt tại đó.
Robot T-TR1 là một robot được phát triển bởi Viện nghiên cứu Toyota tại Hoa Kỳ. Nó được trang bị một camera trên một màn hình lớn.
Bằng cách chiếu hình ảnh của người dùng từ một địa điểm xa, robot sẽ giúp người đó cảm thấy như đang hiện diện tại vị trí của robot, chẳng hạn như một địa điểm của một sự kiện thể thao.
Với T-TR1, Toyota sẽ tạo cơ hội cho những người không thể trực tiếp tham dự các sự kiện như Thế vận hội có thể cảm nhận như thực sự đang tham dự, nhờ có màn hình hiển thị sự đàm thoại giữa hai địa điểm.
Đối với một phần ghế ngồi tại Sân vận động Olympic dành cho những người đi xe lăn, Robot hỗ trợ con người của Toyota (HSR) sẽ hướng dẫn khách đến chỗ ngồi và vận chuyển các bữa ăn nhẹ, vật phẩm giúp người đi xe lăn có thể thuận tiện và thoải mái khi tham dự sự kiện.
Đồng thời, Robot hỗ trợ giao hàng (DSR), được phát triển dành riêng để phục vụ Tokyo 2020, sẽ trực tiếp giao đồ uống và các hàng hóa khác cho khán giả mà họ đã đặt hàng từ một máy tính bảng chuyên dụng.
Tại các sự kiện tổ chức Thế vận hội, với khoảng 500 chỗ ngồi trong Thế vận hội Olympic và 500 chỗ cho Thế vận hội Paralympic, dự kiến các robot sẽ phục vụ hơn 1.000 khán giả sử dụng xe lăn (mỗi khu vực dự kiến sẽ có 16 hàng với 32 chỗ ngồi).
Các robot chuyên dụng được trang bị các chức năng độc lập được sử dụng để hỗ trợ trong các môn thể thao ném (chẳng hạn như môn ném lao) tại Sân vận động Olympic.
Trong khi xác định tuyến đường tối ưu để di chuyển, FSR sẽ theo nhân viên điều hành trên một cung đường tránh chướng ngại vật trong khi lấy lại và vận chuyển các vật phẩm ném.
Bằng cách sử dụng FSR, mục đích là để giảm lượng thời gian cần thiết để lấy lại các vật ném cũng như giảm lượng lao động của nhân viên tại các sự kiện
Ông Nobuhiko Koga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực mới của Toyota cho biết, tại Toyota, chúng tôi sử dụng công nghệ robot công nghiệp trong nhiều ứng dụng khác nhau với mong muốn robot có thể hỗ trợ các hoạt động sống của con người và sống hòa hợp với con người.
Từ năm 2004, Toyota đã phát triển các robot đối tác để hỗ trợ cho những người không thể tự di chuyển, bao gồm cả người già. Giờ đây, là một công ty về chuyển động, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực phát triển lĩnh vực công nghệ robot của mình nhằm mang lại sự tự do di chuyển cho tất cả mọi người.
“Tự do di chuyển cho tất cả mọi người” (Mobility for all) được kỳ vọng giúp có thêm cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ, gặp gỡ và tương tác với những người khác, hoặc được “chuyển động” một cách đầy cảm xúc.
Nguồn: Hoàng Nam (baodautu)