Quảng Trị: Cần có một đề tài khoa học đối với gạch không nung
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 4 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế hơn 100 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn/năm.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các cơ sở này được chính quyền các cấp rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, ngày 23/10/2013 UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 1934/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển VLXKN trên địa bàn đến năm 2020. Trong đó nhóm về cơ chế chính sách, sản xuất VLXKN được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo các quy định của Chính phủ và tỉnh Quảng Trị.
Đặc biệt, quy định nêu rõ: Các công trình đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: Tại TP Đông Hà phải sử dụng 50% gạch không nung (GKN) kể từ đầu tháng 12 năm 2013 và 100% kể từ năm 2014; Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% GKN kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%… Đối với các công trình từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% GKN và sau 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% GKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tịch khối xây).
Tuy nhiên, đã qua nhiều năm đi vào hoạt động nhưng đến nay các cơ sở sản xuất VLXKN trên địa bàn Quảng Trị vẫn còn cầm chừng, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 30% so với công suất thiết kế, chiếm tỷ lệ rất thấp so với gạch nung. Lý do chủ yếu là các công trình sử dụng GKN thường gặp các khuyết tật như nứt tường, tách tường, thấm tường… làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ của công trình; gây thiệt hại về kinh tế; kéo dài thời gian bàn giao công trình. Ông Nguyên Văn Tiến – Phó giám đốc Cty TNHH Xây dựng số 6 cho biết, chi phí phát sinh xử lý sự cố nứt tường các công trình xây dựng GKN thường chiếm một phần không nhỏ, vô hình trung đặt lên vai các nhà thầu thêm một gánh nặng không đáng có. Không ít nhà đầu tư (công trình Nhà nước) phải đưa gạch nung vào thiết kế, thậm chí có chủ đầu tư phải thay đổi gạch giữa chừng.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Hải – Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do biến dạng co lớn của khối xây GKN trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương. Trong khi hầu hết hồ sơ thiết kế các công trình đều không có các tính toán về biến dạng, cũng như đưa ra các yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật thi công cụ thể, chi tiết đối với khối xây sử dụng GKN để có thể hạn chế tình trạng nứt, tách nói trên. Mặc dù đây là loại vật liệu mới nhưng các nhà sản xuất không có hướng dẫn kỹ thuật khối xây kèm theo sản phẩm khi lưu thông trên thị trường; một số nhà sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng GKN trước khi bán ra thị trường, vẫn tồn tại các sản phẩm GKN kém chất lượng; Các tổ chức cá nhân thực hiện công tác quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng công trình còn hiểu biết hạn chế trong việc sử dụng GKN trong các khối xây dựng (kỹ thuật xây, trát, neo, gia cường và bảo dưỡng…). Đồng thời hiện nay chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế, thi công và nghiệm thu khối xây sử dụng GKN phù hợp với điều kiện khí hậu ở Quảng Trị, cũng như chưa có nghiên cứu khoa học được công bố về sự làm việc của khối xây sử dụng GKN trong điều kiện môi trường của địa phương…
Để đánh giá một cách tổng thể và thực tiễn trong việc sử dụng GKN trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2016 Sở Xây dựng Quảng Trị đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra ngẫu nhiêu 17 công trình sử dụng GKN, thì trong đó có đến 16 công trình đều có chung tình trạng là nứt tường và hiện tượng này thường gặp ở các vị trí giảm yếu hoặc vị trí tiếp giáp giữa hai loại vật liệu khác nhau (tường – trụ; tường – dầm). Điều đáng quan tâm hơn là, có một số công trình phục vụ cộng đồng như nhà văn hóa thôn xã, nhà văn hóa khu phố nơi có đông dân cư sinh hoạt, hiện tượng nói trên hết sức phản cảm, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng GKN.
Trước tình hình trên, ông Thái Ngọc Châu – Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, mới đây Sở đã có văn bản gửi đề nghị các DN sản xuất GKN, các chủ đầu tư trên địa bàn thực hiện một số nội dung cấp thiết. Đó là các cơ sở sản xuất GKN tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN6477:2016 – Gạch bê tông (thay thế TCVN 6477:2011); duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ các sản phẩm GKN đã được chứng nhận, công bố hợp quy; bảo dưỡng gạch đúng quy trình, đúng thời gian, đủ 28 ngày và đủ mác theo công bố, mới được xuất xưởng ra thị trường, nghiên cứu các giải pháp để hạn chế tối đa độ co ngót của GKN trước khi đưa vào sử dụng công trình. Ngừng sản xuất và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 31 Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý VLXD. Ban hành hướng dẫn sử dụng đối với từng chủng loại GKN để đảm bảo chất lượng tốt nhất của khối xây trong quá trình thi công.
Theo ông Lê Công Định – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị, những giải pháp trên chỉ mang tính cấp bách, tạm thời. Về lâu dài thì cần có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đối với GKN, khối xây sử dụng GKN để làm cơ sở cho việc ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công. Hiện tại Sở Xây dựng đã xây dựng đề cương và đang trình Hội đồng KH&CN tỉnh Quảng Trị xem xét, cho phép thực hiện đề tài “Giải pháp thiết kế, thi công nhằm hạn chế hiện tượng nứt, tách của khối xây sử dụng GKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề tài chủ yếu tập trung vào việc thực hiện nghiên cứu và mô phỏng số, sự làm việc của khối xây sử dụng GKN trong điều kiện khí hậu tỉnh Quảng Trị. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 12 tháng.
Đề tài nghiên cứu nói trên có ý nghĩa thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình của nhiều đối tượng, góp phần thực hiện tốt chủ trương tăng cường sử dụng VLXKN của Nhà nước. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và các cơ quan có liên quan sớm đi đến thống nhất để đề tài được triển khai thực hiện một cách tích cực và kịp thời.
Nguồn: Báo Xây dựng