Phát triển chuỗi đô thị vệ tinh ở Hà Nội: Động lực cho phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô
Định hướng quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 khu đô thị vệ tinh (ĐTVT) gồm: Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị được kỳ vọng là động lực mới quan trọng cho phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô. Tuy nhiên, sau nhiều năm chủ trương, 5 khu ĐTVT của Hà Nội vẫn chưa được hình thành rõ nét, trong khi khu vực nội đô đã quá tải.
Bài 1: Hòa Lạc – đô thị vệ tinh mũi nhọn
Trong 5 ĐTVT của Hà Nội, đô thị Hòa Lạc là lớn nhất, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô. Thế nhưng sau hơn 20 năm nghiên cứu và định hướng, nơi đây mới chỉ tập trung phát triển tại hai phân khu lõi, còn lại hầu hết là những khu đất bỏ không. Để bóng dáng của một “siêu đô thị” thành hình, việc triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu để thu hút đầu tư và lập quy hoạch chi tiết là nhiệm vụ cấp thiết.
Năm 2022 mới hoàn thành quy hoạch phân khu
Theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐTVT Hòa Lạc nằm trong địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Thạch Thất, 6 xã thuộc huyện Quốc Oai và một phần xã Cổ Đông của thị xã Sơn Tây với tổng diện tích 17.294ha, chia thành 2 vùng đặc trưng là vùng nội thị và vùng vành đai xanh. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số ĐTVT Hòa Lạc tối đa khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 510.000 người, dân số ngoại thị khoảng 90.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Được định hướng phát triển thành đô thị khoa học công nghệ, Hòa Lạc trong tương lai sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đồng thời, đô thị này sẽ là đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng, khoa học – công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.
ĐTVT Hòa Lạc được phân thành 6 quy hoạch phân khu. Trong đó, 2 phân khu quan trọng, là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (HL1) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HL2) đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện, việc đầu tư xây dựng tại hai phân khu này đã và đang là những nét vẽ tạo tiền đề hình thành bức tranh tổng thể ĐTVT Hòa Lạc. Nhất là tại Khu CNC Hòa Lạc, hạ tầng khung toàn khu đã hoàn thiện, có quỹ đất sạch, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng tại Khu CNC Hòa Lạc là khoảng 240ha/1.000ha đất khả dụng theo quy hoạch. Hiện đã có 94 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 91.250 tỷ đồng, trong đó có 55 dự án đang hoạt động và hơn 22.000 người đang học tập, làm việc.
Ngoài những yếu tố tạo lập đô thị tại 2 phân khu lõi trên, tại ĐTVT Hòa Lạc, phần lớn quỹ đất nhằm phát triển đô thị sinh thái, hình thành chuỗi đô thị, nhà ở theo 4 quy hoạch phân khu như sau: Đô thị sinh thái HL3 (781,2ha, dân số 50.000 người) có tính chất là khu vực phát triển đô thị sinh thái, rừng cảnh quan trong đô thị; Đô thị sinh thái HL4 (1.854,04ha, dân số 145.000 người), là khu vực trung tâm đô thị Hòa Lạc; Đô thị sinh thái HL5 (1.111,63ha, dân số 75.000 người), là đô thị phát triển mật độ cao, trung tâm TDTT đô thị, cây xanh tập trung; Khu đô thị Phú Cát – Hòa Thạch (HL6) quy mô 718,56ha, dân số 84.000 người, là vùng phát triển đô thị của đô thị Hòa Lạc được xác định là đô thị phát triển mật độ cao.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, hiện 4 phân khu này đã hoàn thành xây dựng nhiệm vụ quy hoạch. Viện đã gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định và trình UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch trong thời gian sắp tới. Bước tiếp theo sẽ triển khai đấu thầu chọn đơn vị lập bản đồ địa hình, từ đó mới đủ cơ sở để lập đồ án quy hoạch các phân khu tại ĐTVT Hòa Lạc.
“Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, thời gian lập đồ án quy hoạch phân khu không quá 9 tháng. Như vậy, nếu theo đúng thời gian quy định và không bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh đến cuối năm 2022 các đồ án quy hoạch phân khu còn lại tại ĐTVT Hòa Lạc mới hoàn thành và được phê duyệt” – ông Lưu Quang Huy cho hay.
Tập trung cho đô thị vệ tinh mũi nhọn
Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu trước đây, các quy hoạch của Hà Nội thường được phát triển theo phương thức dàn hàng ngang thì đến thời điểm này, thành phố chọn cách phát triển có trọng tâm, trọng điểm là hướng đi phù hợp. Trong 5 ĐTVT, đô thị Hòa Lạc được chọn để đi trước và là mũi nhọn đầu tiên cho phát triển các ĐTVT vì đã hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Việc xây dựng thành công đô thị này sẽ là bài học quý để Thủ đô thực hiện phát triển các đô thị vệ tinh còn lại kết nối theo chức năng chuyên biệt, giảm áp lực quá tải cho khu đô thị lõi.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để đô thị Hòa Lạc tạo sức hút với quy mô 60 vạn dân đến sống, Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các mô hình đô thị hiện đại, đồng bộ, có chất lượng cuộc sống cao. Đáng lưu ý, đô thị chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp nên cần bảo đảm an ninh lương thực và hài hòa trong phát triển quỹ đất. Chế độ đền bù đất đai phải bảo đảm, có hướng chuyển dịch cho lao động nông thôn.
ĐTVT Hòa Lạc có diện tích lớn nhất trong số các ĐTVT của Hà Nội, khi hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho một vùng rộng lớn phía Tây Thủ đô. Khu vực ĐTVT Hòa Lạc có điều kiện địa chất, địa hình ổn định, đã hình thành điều kiện hạ tầng giao thông cơ bản kết nối với đô thị trung tâm theo Đại lộ Thăng Long, kết nối giao thông Bắc – Nam theo đường Hồ Chí Minh. Thời gian tới thành phố cần đẩy mạnh việc hình thành nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị Hòa Lạc như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây – Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc)… Các tuyến đường sắt Hòa Lạc – Văn Cao, Hòa Lạc – Sơn Tây, Hòa Lạc – Xuân Mai.
Theo PGS.TS Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, để thu hút việc di dân đến ĐTVT Hòa Lạc, ngoài việc phát triển giao thông kết nối còn cần tận dụng lợi thế về mặt tự nhiên. Thúc đẩy du lịch tại khu vực núi Ba Vì, núi Viên Nam, sông Tích, hồ Đồng Mô và hồ Tân Xá phục vụ cho cộng đồng và lao động trong ngành dịch vụ du lịch. Tiếp tục xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Đồng Mô, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam để tạo việc làm cho người dân.
Xây dựng trung tâm đô thị Hòa Lạc tại khu vực giao cắt của Đại lộ Thăng Long và QL21, theo mô hình đô thị nén, chủ yếu phát triển nhà cao tầng; đồng thời đầu tư xây dựng khu đô thị mới phía Đông đường Hồ Chí Minh, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại và đồng bộ, khuyến khích phát triển mật độ cao. Phía Tây đường Hồ Chí Minh kiểm soát phát triển, ưu tiên xây nhà ở mật độ trung bình và thấp tầng, với công trình công cộng và nhà ở hỗn hợp nên bố trí một số công trình cao tầng giải quyết nhu cầu chỗ ở cho dân cư tại chỗ và dân nhập cư.
“Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐTVT Hòa Lạc thành đô thị “thông minh” nhằm hút nguồn nhân lực trình độ cao. Gấp rút hoàn thiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội để di chuyển sinh viên ra khỏi nội thành nhanh chóng, giảm tải áp lực dân số cơ học cho nội đô” – PGS.TS Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng.
Nguồn: Báo mới