Luật Đặc khu: “Không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi!”
Thủ tướng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) ngày 02/08.
Tham dự có Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ngành và 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, những địa phương đang xúc tiến xây dựng các đề án đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Xây dựng mô hình đặc khu là hết sức cần thiết và cấp bách
Trước đó, tại tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta, mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả đất nước, nhưng mô hình này hiện không còn mới, kém linh hoạt; cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942.
Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Điều quan trọng là các mô hình này tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, phương thức phát triển các mô hình này cũng có sự thay đổi bằng cách đàm phán, thỏa thuận và giao cho nhà đầu tư chiến lược có năng lực để xây dựng cơ chế, chính sách, mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế thay cho phương thức Nhà nước tự chủ động xây dựng.
Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.
Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng các Đề án đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (Đề án).
Thực hiện chủ trương này, kể từ năm 2012, các địa phương đã tích cực xây dựng và hoàn thiện các Đề án. Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ và Chính phủ đã 4 lần họp bàn, thảo luận và nhất trí trình Bộ Chính trị xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 10/TTr-BCSĐ ngày 24/01/2017 của Ban cán sự đảng Chính phủ về các Đề án.
Theo đó, Ban cán sự đảng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị cho phép thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thuộc tỉnh và Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định (Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016).
Để xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) theo lộ trình thực hiện đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị thì cần thiết phải xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong thời gian tới.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần nghiên cứu bổ sung những quy định về thể chế hành chính, chính sách ưu đãi đặc thù cao hơn khung pháp luật hiện hành áp dụng đối với khu kinh tế và đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới, song không trái với Hiến pháp và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá tác động đối với kinh tế thể hiện ở một số chỉ tiêu định lượng khi triển khai mô hình đặc khu.
Kết quả đánh giá tổng hợp cho thấy sau giai đoạn 2020, các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người.
Cụ thể như tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.
Tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí và 01 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.
Tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
Cần có các quy định mang tính vượt trội
Góp ý vào dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, chính sách về đất đai, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, mục tiêu, định hướng ngành nghề và nhà đầu tư ưu tiên thu hút đầu tư vào các đặc khu…
Các ý kiến nhất trí cho rằng dự thảo Luật cơ bản quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị. Công tác chuẩn bị đúng quy trình, cơ bản tốt.
Theo đa số ý kiến, để tạo ưu thế vượt trội cho các đặc khu thì dự thảo Luật cần có các quy định mang tính vượt trội, vượt trên các quy định của các luật hiện hành.
Chẳng hạn, Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm. Tạo dựng “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp với tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh…
Các ý kiến nhấn mạnh mục tiêu là làm cho các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được chuẩn bị công phu, trách nhiệm. Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và trình các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để có thể trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.
Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Luật tốt nhất, bảo đảm bền vững lâu dài trong phát triển, Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cập nhật thông tin mới nhất về đặc khu để có lợi thế so sánh, trước hết là những vấn đề về các nhà đầu tư chiến lược.
Trong quá trình xây dựng cần tiến hành đánh giá tác động, “lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì”, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi.
Thủ tướng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…
Về chính sách sử dụng đất đai, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Cần quy định có tính định hướng các ngành nghề khuyến khích đầu tư vào đặc khu ở những lĩnh vực Việt Nam đang cần, phát huy lợi thế của từng đặc khu.
Về phương thức quy định chính sách ưu đãi đầu tư, cần bảo đảm tính đột phá, linh hoạt trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư trên cơ sở khung chính sách ưu đãi quy định tại Luật này./.
Nguồn: Kinh tế và dự báo Online