Lo chi phí tăng, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ Philippines sang Việt Nam
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Philippines Ho Ik Lee cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phàn nàn về chi phí kinh doanh tăng cao cũng như thiếu vắng các ưu đãi. Do đó, họ đã bắt đầu đóng cửa các văn phòng và thu hẹp hoạt động ở Philippines để chuyển sang Việt Nam.
“Chúng tôi muốn đầu tư vào ngành chế tạo ở đây, nhưng thật không may là nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang rời bỏ Philippines để đến Việt Nam”, ông Lee than thở.
Các công ty đó cho biết nguyên nhân là chi phí đang quá cao, gần gấp 3 lần ở Việt Nam. “Chi phí tăng đang giết chết ngành công nghiệp chế tạo và đó là lý do các công ty Hàn Quốc đang rời bỏ đây để chuyển sang Việt Nam”, vị này nói thêm.
Ông Lee cũng cho biết, các công ty Hàn Quốc, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực may mặc và điện tử, cho biết các ngành thâm dụng lao động ở Philippines đã không còn hấp dẫn.
“Một trong những lý do khiến chi phí cao gấp 3 lần Việt Nam là cơ sở hạ tầng, bởi chi chí logistics ở đây quá cao, và chính phủ, cơ quan hải quan và các cơ quan khác cũng là một vấn đề”, ông Lee nói.
“Khi đầu tư vào đây, họ nhận được những ưu đãi là gì? Do đó họ đang rời đi. Chúng tôi không bảo các bạn mở cửa đất nước. Chúng tôi chỉ mong đất nước bạn giữ mức tương đương với các quốc gia ASEAN khác như Indonesia và Việt Nam”, ông này nói.
Vị này cũng cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào thị trường nội địa, chứ không phải chỉ xuất khẩu thông qua Cơ quan quản lý Khu kinh tế Philippines (PEZA).
Thị trường nội địa Philippines rất hấp dẫn nên các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đổ tiền vào đó, không chỉ vào PEZA. “Nhưng khi đầu tư vào thị trường nội địa, các quy định lại chặt chẽ và có một số hạn chế đối với tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Hãy cho chúng tôi thêm ưu đãi”, ông Lee nhấn mạnh.
Vị này khuyến nghị Philippines cần phát triển ngành chế tạo hơn nữa để cải thiện vị thế kinh tế.
“Tôi muốn các bạn tập trung vào nền sản xuất bởi nền Philippines đang có lợi về kinh tế, người lao động Philippines ở nước ngoài (OFW), dòng tiền và BPO (dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh). Nhưng không nên tập trung vào ngành thâm dụng lao động nữa”, ông Lee nhấn mạnh.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63% tổng vốn đầu tư.
Nguồn: Báo Đầu tư Online