Hơn 2,8 triệu tỉ đồng đầu tư cho các dự án trọng điểm đến năm 2025

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 là 2.870 nghìn tỉ đồng.

Theo đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia; dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, đầu tư vào các dự án liên kết vùng, liên kết các địa phương để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công như y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo…

tm-img-alt
Tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 là 2.870 nghìn tỉ đồng. (Ảnh: Báo Công luận)

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 bố trí theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước; hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước. Đồng thời, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 dưới 5.000 dự án.

Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỉ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), gồm: CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỉ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới 30.000 tỉ đồng và CTMTQG giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỉ đồng.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỉ đồng từ ngân sách trung ương, trong đó giành 65,795 nghìn tỉ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và 1 dự án mới đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là: dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1; dự án hồ chứa nước của Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Còn khoảng 38.738 tỉ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,719 nghìn tỉ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác.

Về thu ngân sách Nhà nước, còn 70% doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2017 – 2020 chưa hoàn thành cổ phần hóa và đang tiếp tục lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; trong đó, cơ cấu thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Số vốn ngân sách Trung ương cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được phân bổ chi tiết tối đa là 1,35 triệu tỉ đồng, gồm: vốn trong nước 1.080 nghìn tỉ đồng, vốn nước ngoài 270 nghìn tỉ đồng. Số vốn ngân sách địa phương được phân bổ 1.370 nghìn tỉ đồng.

Dự kiến bố trí cho khoảng 4.979 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, có 2.236 dự án khởi công mới. Số vốn bố trí bình quân cho 01 dự án là 210,4 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 – 2020, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Còn lại dự phòng vốn ngân sách Trung ương là 10%, tương đương 150 nghìn tỉ đồng, bằng với mức dự phòng đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2020, tương đương giai đoạn 2016 – 2020. Mức dự phòng ngân sách địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo