Hòa Bình ước tính lợi nhuận 2018 hoàn thành 92% kế hoạch năm
Lợi nhuận ước tính 2018 của Hòa Bình tăng 15% so với thực hiện năm trước nhưng chỉ hoàn thành 92% kế hoạch cả năm. Lý do đến từ giá sắt thép, chi phí nhân công tăng…
Kế hoạch lãi 986 tỷ đồng, tăng 15% năm trước
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa tổ chức gặp gỡ các nhà phân tích. Ban lãnh đạo cho biết ước tính 6 tháng cuối năm, công ty đạt doanh thu hợp nhất 11.601 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 692 tỷ đồng.
Như vậy cả năm, Hòa Bình có thể đạt được doanh thu hợp nhất 19.681 tỷ đồng và lãi hợp nhất 986 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 15% so với kết quả năm trước. Tuy nhiên so với kế hoạch năm, mức lợi nhuận đạt được chỉ khoảng 92%.
Đơn vị: tỷ đồng
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết lợi nhuận có thể không đạt kế hoạch vì giá sắt thép tăng khoảng 30% trong 6 tháng đầu năm. Hòa Bình có hợp đồng với một số nhà cung cấp chiến lược về giá nguyên liệu. Tuy nhiên các hợp đồng thi công đã ký từ 2017 không điều chỉnh được theo diễn biến giá, do đó Hòa Bình chấp nhận phải bù giá.
Ngoài ra, ông Hải còn nói đến việc chi phí nhân công tại Phú Quốc và một số địa phương tăng khoảng 30 – 40% ảnh hưởng đến giá vốn. Chi phí bảo hiểm xã hội cũng có sự thay đổi, bảo hiểm công nhân không tính trên mức lương cơ bản mà tính theo tổng thu nhập của người lao động.
Một nguyên nhân khác được lãnh đạo công ty nhắc tới là Nhà nước thanh tra, kiểm tra nhiều chủ đầu tư, do đó có dự án đang thi công hoặc sắp triển khai bị ngưng. Hòa Bình ảnh hưởng gián tiếp từ việc này.
Kế hoạch từ nay đến cuối năm, Hòa Bình sẽ thực hiện chuyển nhượng 3 dự án gồm 1C Tôn Thất Thuyết, Long Thới và Phước Lộc Thọ. Lợi nhuận chuyển nhượng dự kiến vào khoảng 342 tỷ đồng, số tiền này được ghi nhận trong con số ước tính cả năm.
Trong nửa đầu năm, Hòa Bình trúng thầu 17.063 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, công ty có thể trúng thầu khoảng 16.000 tỷ đồng.
“Lợi nhuận đầu tư tại nước ngoài gấp 5 lần trong nước”
Hòa Bình có chiến lược phát triển thị trường nước ngoài. Thị trường đầu tiên mà công ty thâm nhập là Kuwait với hai đối tác chiến lược HOT Engineering và UGCC. Trong đó, HOT Engineering bảo trợ độc quyền cho Hòa Bình tại thị trường Kuwait về các hoạt động kinh doanh xây dựng dân dụng và hạ tầng. Hòa Bình triển khai quản lý nhân lực, cung cấp lao động cho UGCC theo hợp đồng thầu phụ, chuẩn bị nguồn lực cho các dự án liên doanh. Ngoài ra, công ty cũng mở rộng và phát triển thêm một số thị trường khác như Ả Rập, Romania.
Ông Lê Viết Hải nói thị trường trong nước sắp tới không phải không đủ cho Hòa Bình phát triển. Mỗi năm, ngành xây dựng tăng khoảng 8 – 9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế từ 1 đến 2%.
Tuy nhiên, cơ hội đầu tư địa ốc ở nước ngoài khá rộng mở, ông Hải nói tại Mỹ, Canada, Úc, nhu cầu nhà cao tầng cho dân nhập cư châu Á còn khá nhiều. Một dự án đầu tư tại nước ngoài có lợi nhuận gấp 5 lần trong nước.
Ông Hải nêu ví dụ, 1m2 xây dựng tại Canada có giá khoảng 2.200 USD, rẻ nhất là 1.800 USD. Với tính toán của Hòa Bình, mức giá này có thể còn rẻ hơn 20 – 30%. Trong khi đó tại Việt Nam, đầu tư 1m2 tương tự chỉ khoảng 500 USD.
Chủ tịch HĐQT Hòa Bình còn bỏ ngỏ khả năng đầu tư kết hợp xây dựng để khai thác tiềm năng thị trường nước ngoài. Ông nói, “làm một công trình ở nước ngoài bằng 50 công trình tại Việt Nam”. Trong 3 năm tiếp theo, Hòa Bình đặt mục tiêu 10 – 20% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài và sẽ còn tăng cao hơn trong những năm sau.
Trở lại câu chuyện phát hành cho nhà đầu tư chiến lược lấy vốn phát triển thị trường nước ngoài, ông Hải nói giai đoạn này, giá cổ phiếu HBC đang xuống thấp, khó đạt giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B) 2,5 lần. Do đó, thị trường không thuận lợi cho việc phát hành.
Để khắc phục, Hòa Bình có kế hoạch bán đi một số tài sản, đòi nợ khách hàng, đưa điều kiện thanh toán chặt chẽ hơn, yêu cầu đối tác tạm ứng nhiều hơn và nhận sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Ông Hải nhấn mạnh sắp tới công ty sẽ chú trọng công nợ, giảm bớt rủi ro.
Nguồn: ndh.vn