Hà Nội dự kiến thành lập, mở rộng 15 – 20 cụm công nghiệp mới trong năm nay
Một trong các mục tiêu về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp của TP Hà Nội năm 2022 là thành lập, mở rộng thêm 15 – 20 cụm công nghiệp mới.
Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019 – 2020, đồng thời quyết định thành lập, mở rộng thêm 15 – 20 cụm công nghiệp mới. (Ảnh minh họa: TTXVN).
Ngày 16/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.
Theo đó, thành phố đặt 7 mục tiêu cụ thể trong công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết nối hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. Thứ hai là tiếp tục tổ chức khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019 – 2020. Thứ ba, trong năm nay quyết định thành lập, mở rộng thêm 15 – 20 cụm công nghiệp mới. Thứ tư là bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Còn lại là các mục tiêu: 100% cụm công nghiệp đang hoạt động được quản lý theo đúng quy định của pháp luật, 100% cụm công nghiệp xây mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Về nội dung thực hiện, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp; tổ chức quản lý, phát triển các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Thành phố sẽ triển khai thực hiện các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; trong đó, khởi công và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại 45 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập gồm: Cụm công nghiệp Bình Minh – Cao Viên (huyện Thanh Oai), cụm công nghiệp CN3 (huyện Sóc Sơn) và 43 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018 – 2020.
Ngoài ra, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ khởi công, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó là các hoạt động đẩy mạnh quảng bá, tiếp xúc đầu tư, hoàn thành công tác thẩm định, quyết định thành lập, mở rộng 15 – 20 cụm công nghiệp mới.
Hà Nội cũng có kế hoạch tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố về đất đai và môi trường…
Để hoàn thành các mục tiêu, thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp và các chủ đầu tư. Thành phố cũng ban hành kèm theo bảng phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng đơn vị trong công tác quản lý 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.
Nguồn: vietnammoi.vn