“Điện thờ Pantheon” dưới lòng đất Tokyo: Hệ thống thoát nước vĩ đại mang niềm tự hào của Nhật Bản
Công trình thoát nước khổng lồ dưới lòng đất thành phố Tokyo, Nhật Bản được thiết kế xây dựng nhằm bảo vệ thủ đô khỏi bất cứ nguy cơ ngập lụt nào.
Với quỹ đất ngày càng eo hẹp, các đô thị trên thế giới đều đang có xu hướng hiện đại hóa và nâng cấp các công trình ngầm hay những tòa nhà chọc trời. Tokyo cũng không phải ngoại lệ. Không chỉ thiếu quỹ đất xây dựng, các hệ thống ao hồ để thoát nước cũng không còn nhiều khiến chính phủ nước này quyết định xây dựng hệ thống thoát và trữ nước khổng lồ bên dưới thành phố.
Nằm tại ngoại ô thành phố Tokyo, hệ thống thoát nước khổng lồ được xây dựng bên dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng với mục đích bảo vệ thành phố 13 triệu dân khỏi lụt lội do mưa lớn hoặc bão nhiệt đới. Tên chính thức của công trình cống ngầm này là “Hệ thống cống thoát nước ngầm khu vực đô thị”. Tuy nhiên, người ta hay gọi nó bằng cái tên ngắn gọn G-Cans.
Được xây dựng từ năm 1992 cho tới năm 2006 với mức chi phí 3 tỷ USD, hệ thống xử lý nước ngầm này bao gồm 5 hầm chứa bằng bê-tông với chiều cao 65m và đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km. Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng “The Temple”(Ngôi Đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.
Hệ thống thoát nước khổng lồ này nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều cơ quan, đơn vị tại Nhật Bản. Theo hội đồng quản lý thiên tai tại Tokyo, nếu lượng mưa hơn 550m rơi xuống Tokyo trong ba ngày liên tiếp khiến nước tràn bờ sông Arakawa, 97% các ga tàu điện ngầm sẽ bị ngập. Sự kiện trên không xảy ra thường xuyên nhưng hệ thống G-Cans có thể giải quyết vấn đề này.
Sau khi đưa vào hoạt động, dự án G-Cans đã nhận được sự quan tâm từ nhiều nước. Rất nhiều quan chức Hàn Quốc hay Trung Quốc đã tới Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm xây dựng hệ thống thoát nước vĩ đại và hiệu quả như vậy.