Đầu năm “xông đất” bằng nhiều dự án FDI được rót vốn “khủng”

Ngay từ tháng đầu năm 2022, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng tốc, kỳ vọng một năm tiếp tục khởi sắc với dòng vốn quan trọng này.

3 dự án FDI lớn nhất đã “xông đất” năm Nhâm Dần 2022

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20.1.2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, 3 dự án FDI lớn nhất đã “xông đất” ngay từ đầu năm Nhâm Dần 2022 tại các tỉnh Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ…

Cụ thể, tại Nghệ An, là dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA ở Nghệ An được điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD.

Tại Phú Thọ, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC – Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngành 7.1.

Tại Bắc Ninh là dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD. Ngoài ra, trên cả nước còn có 100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Một số địa phương khác có kết quả thu hút FDI khả quan ngay từ những ngày đầu năm 2022. Cụ thể, trong tháng 1.2022, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cấp mới cho 3 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 0,4 triệu USD và 2.724 tỉ đồng; cấp điều chỉnh cho 17 dự án trong đó có 5 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 58 triệu USD. Số vốn đầu tư cấp mới và bổ sung quy đổi đạt khoảng 174,4 triệu USD.

Nhiều dự án
Nhiều dự án, đơn hàng được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Cường Ngô

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho biết, Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI mặc dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam như là “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong những năm qua, đầu tư trên thế giới có xu hướng giảm, điều này thể hiện rõ nhất khi đại dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 – đầu năm 2020.

Thế nhưng, thời gian vừa qua, Việt Nam được đánh giá là một trong 20 quốc gia có đầu tư nước ngoài ấn tượng nhất. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia có thứ hạng cao trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

“Còn nói về sự chuyển dịch đầu tư, theo quan điểm của tôi, hiện đầu tư trực tiếp từ Mỹ hoặc EU vào Việt Nam không thể sánh được với Trung Quốc. Thế nhưng, nguồn vốn từ các nhà đầu tư Mỹ thông qua các kênh khác vào Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng khá lớn”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, việc đơn hàng ngày càng tăng, doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam chủ yếu do nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề cao và ổn định, đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu từ đối tác. Hệ thống nhà máy được đầu tư ở Việt Nam rất tốt, chi phí lao động vẫn đang ở mức cạnh tranh dù có tăng trong những năm qua.

Giống như câu chuyện của Samsung khi đầu tư vào Bắc Ninh. Năm 2007, Tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Ninh là 560 triệu USD. Với những điều kiện thuận lợi sẵn có tại Việt Nam, “ông lớn” này nhận thấy cần phải đầu tư cấp tập, cho nên, năm 2012, Samsung đầu tư thêm 2,5 tỉ USD mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Đến năm 2015, Samsung mở rộng đầu tư trên cả nước 17,5 tỉ USD.

“Chỉ 8 năm thôi nhưng tỉ lệ đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên hơn 20 lần, sử dụng đến 157.000 lao động. Trong đó, có một dự án rất quan trọng là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam (R&D) tại Hà Nội, sử dụng hơn 2.000 kỹ sư phần mềm của Việt Nam. Đó là một con số vô cùng ấn tượng, một kết quả rất tích cực.

“Xu hướng này sẽ tiếp tục phổ biến hơn, thực tế đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam như là “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Toàn nói.

Nguồn: laodong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo