Đà Nẵng hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư vào khu Liên Chiểu
Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp Liên Chiểu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, đầu tư các công trình thiết chế văn hóa xã hội để thu hút các dự án mới…
Khu công nghiệp Liên Chiểu còn nhiều lô đất trống, cần được đẩy mạnh thu hút đầu tư. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Khu công nghiệp Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) có nhiều thuận lợi trong phát triển công nghiệp như gần tuyến đường sắt, cao tốc Bắc Nam, các đầu mối giao thông quan trọng, nằm cạnh cảng biển Liên Chiểu sắp được triển khai…
Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp này còn thấp so với các khu công nghiệp còn lại của Đà Nẵng, cần được đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát huy các thế mạnh sẵn có, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế của thành phố Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích có thể cho thuê là 782,62ha, hiện đã cho thuê là 675,81ha (tỷ lệ lấp đầy là 86,35%). Trong đó các khu công nghiệp Đà Nẵng, Hòa Cầm giai đoạn 1, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được lấp đầy toàn bộ, chỉ còn khu công nghiệp Liên Chiểu có thể tiếp tục thu hút đầu tư (tỷ lệ lấp đầy đạt 52,6%).
Theo Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng Phạm Trường Sơn, Ban sẽ phối hợp với các sở ngành rà soát, sắp xếp lại quy hoạch ngành nghề khu công nghiệp Liên Chiểu theo đúng định hướng phát triển công nghiệp của thành phố.
Ban Quản lý cũng sẽ yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp Liên Chiểu là Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng (SDN) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, đầu tư các công trình thiết chế văn hóa xã hội để thu hút các dự án mới…
Bên cạnh đó, Ban Quản lý sẽ phối hợp với chủ đầu tư khu công nghiệp tăng cường công tác quảng bá thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư mở rộng dự án, tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Khu công nghiệp Liên Chiểu có tổng diện tích là 289,35ha; diện tích có thể cho thuê theo quy hoạch là 206,13ha; hiện đã cho thuê 108,42ha (đạt 52,6%); còn lại 41,19ha chưa hoàn thiện hạ tầng.
Khu công nghiệp Liên Chiểu kêu gọi đầu tư các lĩnh vực thiết bị điện và điện tử, linh kiện, sản phẩm cơ khí chính xác, may mặc, sản phẩm thực phẩm và các dự án được thành phố Đà Nẵng cấp phép kêu gọi đầu tư.
Hiện tại, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà xưởng sản xuất tại đây như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bao bì nước giải khát Crown Đà Nẵng (Singapore), Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Endo Chuuzou (Nhật Bản)…
Theo bà Lê Thị Yến Nhi, Giám đốc Đầu tư Kinh doanh Công ty SDN, sau nhiều năm khắc phục các khó khăn về giải phóng mặt bằng, công ty đang tập trung hoàn thiện hạ tầng khu vực hơn 41 ha tại Lô A, B của khu công nghiệp Liên Chiểu.
Hiện khu vực này đã hoàn thiện san lấp mặt bằng và dự kiến sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong năm 2022 để thu hút các nhà đầu tư. Công ty cũng đang tích cực phối hợp với chính quyền thành phố để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là tại “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022” dự kiến được Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức vào tháng 6.
Sắp tới, khi dự án Cảng Liên Chiểu hoàn thành thủ tục và được chính thức triển khai cũng sẽ là một thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp logistic, xuất nhập khẩu vào khu công nghiệp Liên Chiểu.
Những năm trước đây, việc quy hoạch chồng chéo và vướng giải phóng mặt bằng đã làm tiến độ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Liên Chiểu chậm hơn so với các khu công nghiệp khác. Cụ thể, dự án khu công nghiệp Liên Chiểu được Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt tại Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 18/4/1998 với tổng diện tích được phê duyệt ban đầu là 373,5ha.
Nhưng đến ngày 4/1/2012, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 47/QĐ-UBND phê duyệt ranh giới Khu du lịch Làng vân mở rộng (Công ty cổ phần Vinpearl làm chủ đầu tư) chồng lấn lên một phần diện tích khu công nghiệp Liên Chiểu (tại các lô A, B và C). Vì vậy, Công ty SDN đã tạm dừng công tác giải phóng mặt bằng và dừng quản lý đối với phần diện tích bị chồng lấn này. Sau đó, một số diện tích đất dự án đã bị các đơn vị và hộ dân lấn chiếm trái phép để sử dụng, tập kết phế liệu, xây dựng mồ mả, trang trại, trồng cây cối hoa màu…
Đến ngày 15/8/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng lại có Quyết định số 5462/QĐ-UBND, điều chỉnh phần diện tích chồng lấn nêu trên ra khỏi dự án Khu du lịch Làng Vân mở rộng, hoàn trả cho Công ty SDN tiếp tục giải phóng mặt bằng, hoàn thiện dự án khu công nghiệp Liên Chiểu. Sau khi điều chỉnh, diện tích khu công nghiệp Liên Chiểu còn lại 289,35ha./.
Nguồn: vietnamplus.vn