Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tái cơ cấu đầu tư, thu hút đầu tư mới vào khu Công nghệ cao TP.HCM

Ngày 27/6, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào SHTP.

Đến dự hội nghị có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xác định năm 2022 sẽ là năm phục hồi, mục tiêu là bằng năm trước khi dịch bệnh bùng phát; đồng thời chuẩn bị điều kiện để tăng tốc vào năm 2023.

“Bên cạnh thu hút đầu tư mới, chúng ta cũng cần tái cơ cấu đầu tư hiện tại, đó là trách nhiệm của thành phố trong việc tạo ra không gian, khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị cho dự án”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về SHTP, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Khu CNC cho biết, khu CNC có tổng diện tích 913ha, thu hút 10 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và tự đông, sản xuất công nghệ cao…

Tính đến nay, SHTP đã thu hút hơn 11 tỷ USD vốn đầu tư với 163 dự án, trong đó vốn đầu tư FDI chiếm 84%; doanh thu xuất khẩu năm 2021 đạt 22 tỷ USD, đóng góp ngân sách gần 280 triệu USD.

 Chủ tịch TPHCM: Tái cơ cấu đầu tư, thu hút đầu tư mới vào khu công nghệ cao - Ảnh 1.

Đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm và chất chuẩn Việt Nam nhận cấp phép điều chỉnh quy mô dự án Nhà máy Chất chuẩn Việt Nam.

Nằm trong khu CNC, Công ty Cổ phần Dược phẩm và chất chuẩn Việt Nam vừa được cấp phép điều chỉnh quy mô dự án Nhà máy Chất chuẩn Việt Nam từ 270 tỷ lên 300 tỷ. Mục tiêu của dự án là sản xuất chất chuẩn phục vụ kiểm nghiệm dược liệu, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm; Sản xuất hợp chất thiên nhiên tinh khiết làm nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

Sau khi điều chỉnh quy mô, dự án bổ sung thêm mục tiêu sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm sử dụng hoạt chất tự nhiên tinh khiết và công nghệ Nano trong sản xuất bào chế dược phẩm.

Dự án được cấp phép điều chỉnh hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm thuốc có nguồn gốc dược liệu thuốc Đông dược, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm được phát triển từ các cây dược liệu quý trong nước với công nghệ bào chế hiện đại tạo ra giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Trần Lê Duy, CEO VPSS cho biết, “Chiến lược của VPSS tập trung đầu tư cho hoạt động R&D, theo hướng phát triển các loại cây dược liệu quý của Việt Nam và các loại cây dược liệu nhập khẩu cho phù hợp với nhu cầu phát triển của nhà máy thông qua Viện Nghiên cứu của chúng tôi cũng mới được thành lập. Chúng tôi hợp tác với các nhà nghiên cứu, các Viện Nghiên cứu, trường Đại học trong nước; khai thác sáng chế trên kho cơ sở dữ liệu của Việt Nam và WIPO. Chúng tôi đang tìm kiếm và phát triển các vùng trồng và dự án trồng dược liệu tại Việt Nam (Vùng Tây Nam Bộ) hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng sẽ hình thành chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp dược phẩm, hướng tới tìm kiếm thị trường mới ở các thị trường quốc tế mới nổi”.

Ông Duy cho biết thêm, “Nhân dịp chúng tôi được cấp phép Giấy chứng nhận điều chỉnh dự án đầu tư, để gắn bó và có trách nhiệm cộng đồng với địa phương, chúng tôi đang phối hợp cùng Ban QL Khu CNC TP. HCM triển khai các hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng như: tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ; trao tặng hàng nghìn phần quà tri ân với Thương binh, Bệnh binh và Người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày Thương Binh, Liệt sĩ 27/7 tới đây”.

Nguồn: cafef.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo