Ninh Bình: Năm 2023 sẽ tập trung vào các dự án công nghệ sạch, thân thiện môi trường

Chiều 27/12, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN ước đạt 73.260 tỷ đồng, tăng gần 7,5% so với cùng kỳ, đạt 106,2 % kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.700 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 14.000 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022; các KCN giải quyết việc làm cho 39.257 lao động, lương bình quân của người lao động đạt trên 6 triệu đồng/tháng.

Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động ngày càng được nâng cao và hiệu quả; hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thu hút và đưa vào vận hành khai thác nhiều dự án lớn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, Công đoàn các KCN tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên. Tích cực tham gia tháo gỡ khó khăn, chia sẻ với doanh nghiệp, ổn định việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống người lao động.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những cố gắng, thành tích của tập thể cán bộ, công chức, người lao động Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ trong năm 2023 của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình. 

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, nhiệm vụ trong năm 2023 là khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục tại các KCN mới (Phú Long, Tam Điệp II, Khu 25 ha Gián Khẩu mở rộng) để thu hút đầu tư; tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; ưu tiên các dự án tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Tiếp tục xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, sai phạm trong quá trình triển khai thi công xây dựng hoặc đưa dự án vào hoạt động không đúng mục tiêu, quy định.

Rà soát toàn bộ kinh phí thu được từ các KCN để từ đó có kế hoạch thực hiện công tác quản lý, bảo trì ở một số KCN (nhất là Khánh Phú, Tam Điệp I tuy đã được chỉnh trang nhưng vẫn còn để bụi bẩn, mặt đường xuống cấp). Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công năm 2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh cần tập trung ngay công tác hoàn chỉnh thủ tục cải tạo, nâng cấp đảm bảo môi trường các KCN xanh, sạch, đẹp.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đồng thời tiếp tục quan tâm đến vấn đề về môi trường, an toàn lao động; kiên quyết xử lý các trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công xây dựng và hoạt động.

Làm tốt công tác chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, quan tâm tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động đang làm việc trong các KCN, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác GPMB tại KCN Phúc Sơn, KCN Gián Khẩu (khu nhà ở công nhân 24 ha, khu mở rộng KCN Gián Khẩu 35 ha) để các đơn vị liên quan sớm hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án đầu tư thứ cấp.

Đối với công tác quản lý các KCN, đề nghị các sở, ban, ngành trong tỉnh tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong các KCN, trong đó xác định đầu mối quản lý KCN là Ban Quản lý các KCN tỉnh./.

Nguồn: moitruongvadothi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo