[Download] Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 lên ngành Xây dựng Việt Nam

Tính đến ngày 31/03, khi dịch bệnh đã lan ra 4/5 châu lục, 203 quốc gia và vùng lãnh thổ; không có tổ chức nào có thể tự tin đưa ra dự đoán ảnh hưởng của COVID – 19 đến nền kinh tế thế giới khi tất cả những báo cáo trước đó đều đã trở nên lỗi thời. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xuất hiện trên 27 tỉnh thành, con số ước tính ảnh hưởng đều chỉ là dự báo, thực tế còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và biện pháp hỗ trợ kinh tế của chính phủ. 

Báo cáo Tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành Xây dựng Việt Nam được thực hiện bởi đơn vị nghiên cứu thị trường HOUSELINK, mở ra cái nhìn cụ thể về tác động, thách thức và cơ hội cho ngành Xây dựng Việt Nam trong thời điểm thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Hoạt động xây dựng gián đoạn và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI suy giảm 

Một trong những rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp xây dựng gặp phải trong thời gian dịch bệnh là khả năng gián đoạn hoạt động xây dựng.

Trong khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi cả nước, các biện pháp mạnh như hạn chế đi lại, cách ly xã hội được áp dụng từ 01/04/2020 khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc các biện pháp tạm dừng hoạt động xây dựng để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng.

Tại thời điểm hiện tại, khi phương thức gặp mặt truyền thống là không thể thực hiện được trong mùa dịch, các doanh nghiệp xây dựng cũng gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đấu thầu dự án hay mua sắm phục vụ cho hoạt động xây dựng. Đây cũng nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động xây dựng trong dịch bệnh COVID-19.

      

Khi nhiều chủ đầu tư không thể sang Việt Nam do các chuyến bay quốc tế tạm ngừng khai thác đến cuối tháng 04/2020, kết hợp với tâm lý e ngại đưa ra quyết định đầu tư khi thị trường biến động mạnh, vốn FDI được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong quý I/2020, tổng vốn FDI thực hiện đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kì năm ngoái.

Điều này có nghĩa là trong thời gian tới điểm sáng phân khúc xây dựng công nghiệp sẽ không có nhiều dự án xây dựng công nghiệp có vốn FDI được triển khai xây dựng. Thay vào đó, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến tiến hành mở rộng quy mô, thông qua việc mở rộng quy mô nhà máy hiện hữu hoặc xây dựng nhà máy tại một địa điểm mới. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp xây dựng mở rộng là không nhiều.

Doanh nghiệp xây dựng khó khăn chồng chất khó khăn

Theo Khảo sát từ Tổng cục thống kê, trong 6.600 doanh nghiệp xây dựng được khảo sát, có đến 47,5% và 46,9% các doanh nghiệp phản hồi rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý I và quý II/2020. Trong khi các doanh nghiệp xây dựng ngoài nhà nước có đánh giá khá tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh, với hơn 53% các doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hoặc không thay đổi trong hai quý đầu năm; các doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn khá thận trọng về triển vọng phát triển trong trong nửa đầu năm 2020, với hơn 54% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong 6 tháng đầu năm 2020.

       

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân trên 1200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các chi phí cố định như trả lương, thuê mặt bằng, vay ngân hàng,vv. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu, gần 30% doanh nghiệp có thể mất 20 – 50% doanh thu.

Triển vọng nào xuất hiện sau cơn suy yếu do dịch bệnh COVID-19? 

Có thể nói, COVID-19 là cơ hội để các ngành sản xuất nhận ra sự cần thiết tái cơ cấu phân bổ nhà cung cấp và ngành xây dựng tái thiết lập phương thức giao tiếp khi đứt gãy chuỗi cung ứng.

Sau khi dịch bệnh COVID – 19 được kiểm soát, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp chế biến – chế tạo được kì vọng sẽ tăng mạnh bởi hai lý do chính: i) Các nhà sản xuất có xu hướng dịch chuyển nhà máy ra ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro về chuỗi cung ứng; ii) Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) được thông qua, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam để hưởng lợi thuế suất khi xuất khẩu hàng hoá sang Châu Âu. Các doanh nghiệp dệt may và da giày với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

       

Bên cạnh hình thức xây mới nhà xưởng, một số nhà đầu tư sang Việt Nam đang có xu hướng thuê lại nhà xưởng đã xây dựng sẵn, đặc biệt là những ngành công nghiệp nhẹ, trung tâm logistic,vv.

Theo thống kê, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy Nhà nước đang tập trung nguồn lực vào triển khai các dự án cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thuỷ lợi,vv.

Thị trường Xây dựng Việt Nam bước vào quý I năm 2020 đã gặp nhiều thách thức, tuy nhiên cũng đang dần lộ diện rõ hơn những cơ hội cần linh hoạt nắm bắt.

Đơn vị nghiên cứu thị trường HOUSELINK Market Insights thực hiện Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 lên ngành Xây dựng Việt Nam đồng thời đưa ra nhiều chỉ báo về triển vọng hoạt động Xây dựng sau đại dịch COVID-19.

Tải báo cáo đầy đủ và xem các số liệu chi tiết tại đây.

Giới thiệu đơn vị nghiên cứu:

HOUSELINK là nhà tư vấn phát triển thị trường ngành Xây dựng với nền tảng công nghệ số đầu tiên HOUSELINK– nền tảng Thông tin thị trường và Đấu thầu trực tuyến. Đơn vị nghiên cứu HOUSELINK Market Insights đưa ra phân tích và xuất bản các báo cáo chuyên sâu, báo cáo định kỳ về các hoạt động trong chuỗi cung ứng thị trường xây dựng.

Mọi nhu cầu cộng tác xin liên hệ: info@houselink.com.vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.