Vốn FDI cam kết vượt 21 tỉ đô la Mỹ trong 9 tháng

Trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) cam kết đạt 21,31 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng nguồn vốn cam kết vào Việt Nam từ trước đến nay vượt mốc 310 tỉ đô la Mỹ.

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20-9 rồi, cả nước có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 14,56 tỉ đô la Mỹ, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2016; và có 878 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, cùng thời gian trên có 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,16 tỉ đô la Mỹ, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tính chung trong 9 tháng năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,48 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,31 tỉ đô la Mỹ, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,91 tỉ đô la Mỹ, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư và Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,14 tỉ đô la Mỹ, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20-9 rồi, cả nước có gần 24.200 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 310,19 tỉ đô la Mỹ. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 167,35 tỉ đô la Mỹ, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 55,8 tỉ đô la Mỹ (chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 46,1 tỉ đô la Mỹ (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Hồng Kông.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 183,5 tỉ đô la Mỹ (chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 51,1 tỉ đô la Mỹ (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư) và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đứng thứ ba với 17,8 tỉ đô la Mỹ (chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư).

Nguồn: Báo Mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo