Vỡ mộng với Trung Quốc, Pakistan nhờ Nhật Bản cứu dự án đường sắt

Vỡ mộng với Trung Quốc, Pakistan nhờ Nhật Bản cứu dự án đường sắt
Thất vọng với những lời “hứa hão” của Trung Quốc, chính quyền Pakistan đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn để nâng cấp hệ thống đường sắt thành phố Karachi.

Theo Nikkei Asian Review, tuần trước Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Pakistan (Pakistan Railways) Skindar Sultan Raja thông báo với Thương viện rằng chính quyền tỉnh Sindh sẵn sàng vay 2,6 tỷ USD từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án nâng cấp Hệ thống đường sắt Karachi (KCR).Nếu khoản vay này được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên một tổ chức Nhật Bản tiếp quản cấp vốn một dự án thuộc sáng kiến Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).

Giới quan sát nhận định điều này đồng nghĩa với việc CPEC bị thu hẹp và cuối cùng các nhà lãnh đạo Pakistan cũng nhận ra rằng sáng kiến kinh tế đình đám này thực chất không mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia Nam Á.

Vỡ mộng với Trung Quốc, Pakistan nhờ Nhật Bản cứu dự án đường sắt

“Gánh nặng kinh tế từ các dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư cộng với nguy cơ đánh mất chủ quyền khiến Pakistan không còn hào hứng với CPEC”, giáo sư Malik nhấn mạnh. “Việc chính quyền tỉnh Sindh xoay trục từ Trung Quốc sang Nhật Bản cho thấy Pakistan đang vỡ mộng với Trung Quốc”, Nikkei dẫn lời giáo sư Mohan Malik thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương nhận định.

KCR là tuyến giao thông trọng yếu tại Karachi – đô thị lớn nhất Pakistan – từ năm 1969 đến 1999. Năm 2010, JICA đề nghị cho Pakistan vay ưu đãi với thời hạn 40 năm, lãi suất 0,2% để cải tạo tuyến đường sắt này. Tuy nhiên, các rào cản hành chính khiến dự án bị đình trệ.

Tháng 12/2016, Ủy ban Hợp tác chung Pakistan – Trung Quốc đã đưa dự án KCR và tuyến tàu điện ngầm Lahore vào sáng kiến CPEC. Tuy nhiên đến nay dự án KCR vẫn giậm chân tại chỗ do chính quyền tỉnh Sindh và các công ty Trung Quốc không đạt được các thỏa thuận chi tiết.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt Karachi với chiều dài 43 km sẽ chở 700.000 hành khách mỗi ngày. Thủ hiến tỉnh Sindh Murad Ali Shah từng nhiều lần vận động quan chức ngoại giao Trung Quốc để thúc đẩy dự án, nhưng bất thành. Do đó, các quan chức địa phương chuyển hướng sang tiếp cận JICA.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là nguồn vốn Nhật Bản có mức lãi suất rất thấp nếu so với tiền Trung Quốc. Đây là thông tin được ông Skindar Sultan Raja xác nhận với Thượng viện Pakistan.

Vỡ mộng với Trung Quốc, Pakistan nhờ Nhật Bản cứu dự án đường sắt

Trước đây, Pakistan từng “há miệng mắc quai” khi vay vốn Trung Quốc để cây dựng hải cảng Gwadar, một dự án quan trọng trong sáng kiến CPEC có tổng đầu tư khoảng 60 tỷ USD.”Vốn vay để phát triển hạ tầng từ JICA thường có mức lãi suất thấp hơn nhiều so với vốn Trung Quốc. Dự án do JICA đầu tư cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời không đòi hỏi chính quyền địa phương phải thế chấp chủ quyền”, giáo sư Malik giải thích.

Hồi tháng 3/2019, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, cho biết Pakistan nợ Trung Quốc tới 10 tỷ USD chi phí xây dựng cảng Gwadar và một số hạ tầng khác.

Công ty Trung Quốc COPHC xây dựng hải cảng này và hồi tháng 4/2017, chính quyền Pakistan ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng trong 40 năm. Theo hợp đồng, COPHC nuốt 91% doanh thu từ cảng Gwadar.

Nguồn: Zing.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo