Dự án CCN làng nghề Minh Phương thuộc danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai 2013. Chính sách bồi thường, hỗ trợ để thực hiện giải GPMB dự án được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và có căn cứ pháp lý đầy đủ, rõ ràng.

Theo quyết định này, CCN làng nghề Minh Phương do Công ty Cổ phần KEHIN làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 33,3ha, trong đó có 14,07ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3ha thuộc địa phận xã Nguyệt Đức.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đền bù và giải phóng mặt bằng nên việc triển khai dự án bị chững lại. Nguyên nhân là một số hộ gia đình có đất nằm trong quy hoạch của dự án không đồng ý với giá bồi thường hỗ trợ tái định cư của Nhà nước, đòi bồi thường theo giá thỏa thuận; Một số trường hợp đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi có chủ trương thông báo thu hồi đất, gây khó khăn trong công tác GPMB.

Theo ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, 3/9 hộ thuộc diện buộc phải cưỡng chế đã chủ động nhận tiền bồi thường, GPMB. 6 hộ còn lại không nhận, số tiền sẽ được huyện gửi vào Kho bạc nhà nước huyện Yên Lạc. Ông Thông cũng cho biết, ngày 15/9, huyện Yên Lạc đã tổ chức cưỡng chế, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án CCN làng nghề Minh Phương.

Mặc dù trong suốt thời gian qua, huyện Yên Lạc đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân trong diện thu hồi đất thực hiện về việc chấp thuận thu hồi đất để huyện thực hiện các dự án nhưng một số người dân trong diện có đất phải thu hồi vẫn tập trung gây cản trở cho việc thực hiện dự án của chủ đầu tư. Tính đến ngày 15/9, huyện Yên Lạc đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng được gần hơn 30 ha đạt gần 95% tổng diện tích dự án, còn lại hơn 2 ha (gần 5%) chưa GPMB.

Ông Nguyễn Xuân Thông cho biết, thời gian tới, huyện Yên Lạc sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đến các hộ dân còn lại nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Sau thời gian tuyên truyền, nếu các hộ vẫn cố tình không nhận với những lý do không có căn cứ giải quyết, huyện Yên Lạc sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Theo đúng chủ trương thì CCN làng nghề Minh Phương khi đi vào hoạt động sẽ ưu tiên khuyến khích thu hút đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề cơ sở sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, dự kiến thu hút khoảng 260 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ cá thể. Ngành nghề chủ yếu hoạt động trong CCN này là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu… và tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động.

Đây cũng là chủ trương đúng đắn trong chiến lược đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dài hơi của tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó tập trung đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào CCN, tách rời khu dân cư để sản xuất lâu dài và ổn định, ông Nguyễn Xuân Thông nhấn mạnh.

Nguồn: thanhtra.com.vn