Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030 có 27 khu công nghiệp

Cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ với mục tiêu là “lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ, du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tận dụng tốt các lợi thế, tiềm năng sẵn có để đầu tư phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, từ một khu công nghiệp ban đầu được Chính phủ cho phép thành lập năm 1998 là khu công nghiệp Kim Hoa, diện tích 50ha, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, quy mô trên 5.487,3ha. Trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 8 khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư theo hướng hiện đại đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: Khu công nghiệp Kim Hoa, khu công nghiệp Bình Xuyên II đạt 100%; khu công nghiệp Khai Quang 96%; khu công nghiệp Bình Xuyên 92%; khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc  82%. Nhiều vùng đất đồi, cằn cỗi của các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương được quy hoạch thành những vùng công nghiệp, đô thị phát triển.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, đến nay, các khu công nghiệp thu hút 337 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký trên 5.396,2 triệu USD; 74 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 8.740 tỷ đồng. Trong đó, có 85% dự án đi vào hoạt động. Nhiều tập đoàn lớn như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Deawoo, Patron vina, Heasung vina, Cammsys, Interflex vina, Young Poong (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan)…đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100.000 lao động. Hằng năm, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đóng góp khoảng 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, từ 60-65% giá trị xuất khẩu và chiếm trên 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đặc biệt, sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chiếm tới 4,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các khu công nghiệp thu hút khoảng 14-15 nghìn tỷ đồng và từ 7-8 tỷ USD vốn đầu tư; giải quyết việc làm cho từ 140-150 nghìn lao động vào năm 2025 và từ 180-200 nghìn lao động vào năm 2030. Tỷ lệ các khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt từ 93-95%.

Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động tham mưu, đề xuất công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp mới trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định. Tập trung đổi mới, tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình các khu công nghiệp để thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hàm lượng tri thức cao; rà soát, điều chỉnh, mở rộng, bổ sung thêm 8 khu công nghiệp, nâng số lượng khu công nghiệp đến năm 2030 lên 27 khu, tổng diện tích khoảng 6.000ha. Cùng với đó, quan tâm đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân, bảo đảm mỗi khu công nghiệp có một khu nhà ở công nhân, khu nhà ở, dịch vụ liền kề. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được khoảng 2.000-2.500 căn hộ cho công nhân thuê, mua; hoàn thành việc xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc, có hiệu quả kinh tế – xã hội cao vào các khu công nghiệp để làm cơ sở xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hằng năm.

Theo Cổng TT-GTĐT Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo