Chính phủ dự kiến xem xét chủ trương xây đường sắt tốc độ cao vào 2019

Chính phủ dự kiến xem xét chủ trương xây đường sắt tốc độ cao vào 2019
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.
Chính phủ dự kiến xem xét chủ trương xây đường sắt tốc độ cao vào 2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) liên quan đến vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Trước đó, đại biểu đặt câu hỏi: Khi nào Bộ Giao thông vận tải đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ khoảng 200 km/h để giải quyết bài toán giao thông nước ta.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015) và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015).
Theo đó, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với các giai đoạn như sau:
Đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc – Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang.
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc – Nam theo khả năng huy động vốn.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc – Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.
Căn cứ lộ trình nêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Dự kiến, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.
Đối với các ưu điểm của đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam mà đại biểu Quốc hội cung cấp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Trước đó, để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết bài toán giao thông của đất nước, đại biểu Lê Công Nhường đã đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam từ Hà Nội đến Cà Mau hơn 1.500km với tốc độ 200km/h.
Ông Nhường cho biết, nếu làm đường sắt tốc độ 200km/h thì chi phí bằng 80% chi phí đường cao tốc. Vậy nếu làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam và đến Cà Mau thì tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt này sẽ vào khoảng 19 tỷ USD. Số tiền này theo ông Nhường sẽ huy động từ các nhà đầu tư.
“Nếu làm được đường sắt cao tốc như tôi nói ở trên, thời gian đi từ Hà Nội – TP.HCM và ngược lại chỉ mất 7 giờ đồng hồ. Như vậy chắc chắn sẽ giảm áp lực cho ngành hàng không và đường bộ, sẽ đáp ứng được vận tải hàng hóa”, ông Nhường nói
Bên cạnh đó, theo ông Nhường khi đường sắt cao tốc này được đưa vào sử dụng sẽ kết nối được với các cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh… Chi phí logistics sẽ giảm được rất nhiều vì giá thành vận chuyển đường sắt chỉ bằng 40% đường bộ. Như vậy sẽ tăng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam lên rất nhiều.
“Có những dự án đầu tư cần 80% nguồn lực nhưng chỉ 20% hiệu quả. Ngược lại có những dự án chỉ dùng 20% nguồn lực nhưng mang lại được 80% hiệu quả. Khi nguồn ngân sách có hạn thì tôi mong Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu xem xét xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với 20% nguồn lực nhưng hiệu quả tới 80%”, đại biểu Nhường nói.
Nguồn: bizlive.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo