Thu hút FDI vào Việt Nam sẽ khởi sắc

Tính đến ngày 20/2/2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này tiếp tục khẳng định các nhà đầu tư FDI đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Giải ngân vốn FDI chuyển biến tích cực

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2 cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/2/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 183 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 631,8 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT), việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh được cho là nguyên nhân cơ bản giúp hoạt động giải ngân các dự án FDI chuyển biến tích cực hơn.

Hai tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD. Tiếp theo là các ngành khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 109,6 triệu USD và gần 60 triệu USD.

Thu hút FDI vào Việt Nam sẽ khởi sắc -0
Để thu hút được FDI chất lượng cao cần cải thiện môi trường đầu tư, nhất là về nguồn nhân lực. Ảnh: Thế Hùng

Về đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD…

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc đi đúng hướng trong phòng chống dịch và dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, đã giúp Việt Nam ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI ngay từ đầu năm 2022, kỳ vọng một năm tiếp tục khởi sắc với dòng vốn quan trọng này.

 Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng qua, đã có 183 dự án đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn 631,8 triệu USD. Các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn, như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (của Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (của Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.

Ngoài ra, dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc) cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD. Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số lượt dự án và tăng gấp hơn 2,2 lần về số vốn so với cùng kỳ. Về góp vốn, mua cổ phần, trong hai tháng đầu năm, có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

“Với những tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm cùng với tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI cho thấy mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi”, ông Nguyễn Văn Toàn nhìn nhận.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mới đây, chia sẻ tại buổi gặp mặt lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đầu năm 2022, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho rằng, chính sách chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, mang lại những hiệu quả tích cực. Dự báo trong thời gian tới đây, nhiều DN Hàn Quốc sẽ tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, rất nhiều khuyến nghị của cộng đồng nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh xem xét, thực hiện và thực hiện rất nghiêm túc. Đây là lý do ngày càng có nhiều DN Hàn Quốc chọn TP. Hồ Chí Minh làm điểm đến để phát triển DN. Để chuẩn bị cho hoạt động kết nối đầu tư hiệu quả, các DN Hàn Quốc đã có kế hoạch tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư – thương mại – công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 6/2022. Hiện đã có 50 DN Hàn Quốc đăng ký sang TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội giao thương.

Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Dương, hiện, vốn FDI đã và đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn, phù hợp với định thướng thu hút đầu tư đã xác định. Đặc biệt, gần đây nhất là dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) tại KCN Bàu Bàng với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,37 tỷ USD. Cùng với đó là dự án xây dựng nhà máy mới rộng 44ha tại Bình Dương với vốn đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Điều này cho thấy, đến nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Bình Dương đã và đang thực sự là địa điểm đầu tư tốt của nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, năm 2021, Nestlé tăng vốn đầu tư vào Đồng Nai thêm 132 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hiện đại nhất khu vực, cung ứng sản phẩm cho nhiều nước trên thế giới. Năm 2022,  công ty đang triển khai nhanh dự án để sớm đưa nhà máy vào hoạt động, tăng lượng hàng xuất khẩu.

Đại diện Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc cũng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 song nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nên dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh.

Để thu hút vốn FDI đạt được như mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực. Đồng thời, cần cải thiện môi trường đầu tư, nhất là về nguồn nhân lực. Cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng về công nghệ 4G về chuyển đổi số nếu chúng ta không làm tốt, không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển.

Về chính sách cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó đẩy mạnh tính liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và DN Việt, từ đó gia tăng giá trị cũng như hiệu quả của nhà đầu tư tại Việt Nam; đẩy mạnh việc thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong đó có các hiệp định như EVFTA, CPTPP…

Nguồn: công an nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo