Thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của tỉnh

Với nỗ lực thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển, cải cách hành chính, hoạt động xúc tiến đầu tư; với sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan trung ương, tỉnh Quảng Trị đã có cơ hội tiếp nhiều nhà đầu tư có tầm chiến lược về phát triển, có năng lực về tài chính, như: Sumitomo (Nhật Bản); EGATI (Thái Lan); Gazprom (Liên bang Nga); T&T; Vingroup; FLC, Sun Group; Bitexco; BB Group; Sam Group; Intracom, Anh Phát… đến nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐỨC TÂN, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh để tìm hiểu thêm về vấn đề này

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết quá trình thu hút đầu tư thời gian qua của tỉnh đạt được những kết quả như thế nào?

-Với nỗ lực thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển, cải cách hành chính, hoạt động xúc tiến đầu tư; với sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan trung ương, tỉnh Quảng Trị đã có cơ hội tiếp nhiều nhà đầu tư có tầm chiến lược về phát triển, có năng lực về tài chính, như: Sumitomo (Nhật Bản); EGATI (Thái Lan); Gazprom (Liên bang Nga); T&T; Vingroup; FLC, Sun Group; Bitexco; BB Group; Sam Group; Intracom, Anh Phát… đến nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, COVID-19 lan rộng đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống Nhân dân. Song với cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Từ đầu năm 2021 đến nay, có 65 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 70.749,75 tỉ đồng, cao hơn 10 lần so với năm 2020. Trong đó có một số dự án lớn như: Khu công nghiệp Quảng Trị (Liên doanh VSIP – Amata – Sumitomo) có tổng vốn 2.074 tỉ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú có tổng vốn 4.533 tỉ đồng; Nhà máy điện gió Hướng Linh 5 có tổng vốn 1.346 tỉ đồng; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 2 có tổng vốn 1.370 tỉ đồng; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 3 có tổng vốn 1.350 tỉ đồng.

Đặc biệt, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 1.500MW – giai đoạn 1 do Tổ hợp liên doanh các nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) – Hanwha – KOSPO – KOGAS (Hàn Quốc) thực hiện với tổng vốn 53.667 tỉ đồng vừa khởi công phần hợp phần kỹ thuật; dự án nhà máy sản xuất trang phục lót và trang phục thể thao (Tập đoàn Corèle International – Pháp) có tổng vốn 575 tỉ đồng…

Cùng với đó, các dự án đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy lợi thế, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Những năm qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp thu hút dự án FDI vào địa bàn mang lại những kết quả nhất định. Theo đó, bước đầu đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn, công ty lớn, có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới đã đến khảo sát, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.488,71 triệu USD.

-Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thu hút đầu tư của tỉnh là gì, thưa ông?

-Tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế và nhiều dư địa để đẩy mạnh thu hút đầu tư song cũng có những khó khăn riêng như: Nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, kết nối giao thông chưa thuận tiện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt về hạ tầng sân bay, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng được nhà đầu tư khi đăng ký đầu tư vào tỉnh. Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm cũng như đắn đo khi xem xét, lựa chọn địa điểm đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, mặc dù là địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn nhưng quỹ đất sạch còn hạn chế, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kêu gọi đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các dự án sử dụng đất nông, lâm nghiệp có diện tích lớn.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với Tập đoàn Dầu khí Gazprom International của Nga – Ảnh: NVCC

Việc thu hút đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư chưa cao, hầu hết các dự án có vốn đầu tư thấp, quy mô còn nhỏ, thiếu những dự án mang tính động lực, chưa có các dự án chế biến sâu, công nghệ hiện đại.

Việc xây dựng hệ thống thông tin và truyền thông về xúc tiến đầu tư giữa địa phương và trung ương chưa được đồng bộ khiến việc quản lý Nhà nước trong công tác xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được coi trọng đúng mức. Quy trình, thủ tục trong đầu tư chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời. Việc tiếp nhận, thẩm định để trình UBND tỉnh xem xét, cấp chủ trương đầu tư của một số đơn vị, địa phương đôi lúc, đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng đúng tiến độ theo yêu cầu.

Khả năng thu hút và chất lượng vốn FDI, đầu tư trong nước vẫn còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ nguồn, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: Tư vấn tiếp cận đất đai, tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại… trên địa bàn tỉnh còn thiếu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Năng lực và quy mô của doanh nghiệp địa phương còn hạn chế, chưa xây dựng được chương trình liên doanh, liên kết, tạo đối tác tại chỗ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Việc xây dựng các thông tin dự án còn đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Thông tin dự án và số liệu chi tiết còn ít. Một số thông tin cần thiết đối với nhà đầu tư nhưng hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương chưa cung cấp được đầy đủ. Thực tế khó khăn đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả xúc tiến đầu tư. Nhiều dự án chưa có địa điểm rõ ràng, chưa ước tính được tổng mức đầu tư, chưa xác định chắc chắn quy mô diện tích, do nhà đầu tư tự nghiên cứu và đề xuất. Xét về mặt kinh tế, kinh doanh và quản trị rủi ro, thông tin không được chuẩn bị chu đáo sẽ không mang tính thuyết phục, khó mời được nhà đầu tư. Ngoài ra, COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay vẫn diễn biến phức tạp và gây không ít khó khăn cho công tác xúc tiến đầu tư.

– Ông có thể cho biết định hướng thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 tập trung vào những nội dung, thế mạnh nào?

– Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ – du lịch, trong đó công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 sẽ bước vào nhóm tỉnh khá của Việt Nam.

Theo đó, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2022 – 2025 sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ); công nghiệp silicat; công nghiệp dệt may; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên; một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh; các dự án đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh; lựa chọn thu hút đầu tư những dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Tích cực làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành để phát triển các dự án khí – điện tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và triển khai các bước đầu tư, khai thác. Triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch. Phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030; thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic; cố gắng để Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Nghiên cứu phát triển Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistic xuyên biên giới.

Đối với định hướng lựa chọn đối tác thu hút đầu tư: Chú trọng các nhà đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có khả năng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư những dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có số thu ngân sách lớn; đối tác có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm gồm các tập đoàn, tổng công ty; các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến từ những nước có nền kinh tế phát triển…

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo