Quyết định 13/2020 QĐ-TTg về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: Lấp khoảng trống chính sách cho giá điện mặt trời

Mức giá FIT hỗ trợ mới cùng phương án ưu đãi, hỗ trợ đầu ra,… được đưa ra trong Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/4. 

Giá mua bán điện FIT (giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo) cũ cho điện mặt trời đã hết hạn vào 30/6/2019. Các dự án ký hợp đồng mua, bán điện sau ngày 30/6/2019, đều đang chờ cơ chế giá mua điện mới.

Tuy nhiên, ngày 16/12/2019 Bộ Công Thương tạm dừng đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá khuyến khích cố định (FIT). Trong thời gian “khoảng trống chính sách”, nhiều doanh nghiệp vẫn đang ngóng chờ mức giá FIT hỗ trợ mới, cùng với phương án ưu đãi về thuế, sử dụng đất, mặt nước,… để đầu tư vào loại hình năng lượng tái tạo này.

Ngày 6/4, Thủ tướng ban hành Quyết định 13/2020 QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam thay thế Quyết định 11/2017 hết hiệu lực từ 30/6/2019.

Theo đó, dự án điện mặt trời nối lưới đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án (hoặc một phần dự án đó) được áp dụng Biểu giá mua điện mới.

Cụ thể, mức giá 1.783 đồng/kWh (7,69 cent) dành cho dự án điện mặt trời nổi; 1.644 đồng/kWh (7,09 cent) với điện mặt trời mặt đất và 1.943 đồng/kWh (8,38 cent) với điện mặt trời trên mái nhà. Mức giá mua điện mặt trời trước đó là 2.086 đồng/kWh.

Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại và thay đổi theo tỷ giá thực tế.

Các dự án khác không thuộc diện kể trên sẽ được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, lộ trình thực hiện và báo cáo Thủ tướng phê duyệt triển khai trên toàn quốc.

Đối với Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực từ các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh.

Các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới được ưu đãi về đất đai, sử dụng mặt nước, ưu đãi thuế, phân phối, mua và bán điện mặt trời,…

Toàn văn Quyết định của Thủ Tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phù

Như vậy, sau gần 10 tháng chờ đợi của nhà đầu tư, Chính phủ vừa quyết định giá mua điện mặt trời mới và sẽ áp dụng từ 22/5. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà đầu tư đầu tư vào điện mặt trời, nhất là tại một số địa phương có số ngày nắng trong năm cao, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

VietnamConstruction.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo