Đề xuất giao ACV đầu tư Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất trị giá 11.430 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình số 2756/TTr- BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đầu tư xây dựng Nhà ga T3 nội địa 2 cao trình (đi và đến tách biệt), công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 100.000 m2 và các công trình đồng bộ kèm theo tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Dự án có khái toán tổng mức đầu tư 11.430 tỷ đồng này sẽ do ACV huy động bằng nguồn vốn tự có với thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào khai thác khoảng 43 tháng, tương đương với 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Với tính chất cấp bách, quy mô của Dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và xem xét cho phép áp dụng cơ chế để đẩy nhanh tiến độ cho Dự án theo hướng áp dụng phương án tuyển chọn thiết kế kiến trúc do Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện. Đồng thời cho phép chủ đầu tư chỉ thực hiện đánh giá sơ bộ tác động về môi trường của dự án để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án, ở bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xem xét áp dụng một số cơ chế đặc thù, nhất là trong quá trình lựa chọn thầu để rút ngắn tiến độ Dự án.

Hiện nay, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, ACV được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì vậy Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV hoàn thiện thủ tục và triển khai dự án.

Do Dự án có nhiều nét đặc thù khi chủ sở hữu vốn nhà nước tại ACV là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư dự án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở nhà ga hành khách và các – công trình dân dụng là Bộ Xây dựng, Cơ quan thẩm định các công trình chuyên ngành hàng không là Bộ GTVT, Cơ quan thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan thực hiện thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng là Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).

“Do đó, để sớm hoàn thành Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ ACV trong quá trình triển khai Dự án”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề xuất.

Trước đó, tại Văn bản số 1856/VPCP-CN ngày 06/03/2019 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: “Yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo ACV khẩn trương hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (trong đó, làm rõ cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư cho từng danh mục công trình cụ thể). Trường hợp giao ACV là Nhà đầu tư Dự án, cần làm rõ căn cứ pháp lý để thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo hoàn thành, đưa các công trình vào sử dụng đồng bộ trong năm 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Theo Bộ GTVT, ngoài việc đề xuất cân đối, huy động vốn đầu tư các công trình khu bay, các công trình dịch vụ đang được Bộ GTVT báo cáo hoặc chủ động thực hiện thì một trong những nhiệm vụ cấp bách là đầu tư nhà ga hành khách T3 – CHKQT Tân Sơn nhất.

Đây là công trình có quy mô lớn, cấp bách trong việc đáp ứng nhu cầu hành khách qua cảng hiện đang bị quá tải. Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua CHKQT Tân Sơn Nhất đạt hơn 38,3 triệu hành khách; Nhà ga quốc nội đã khai thác 23,42 triệu hành khách (vượt 1,56 lần công suất thiết kế), nhà ga quốc tế đã khai thác 14,89 triệu hành khách (vượt 1,14 lần công suất thiết kế), chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Trong các năm tới nhu cầu tăng trưởng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo vẫn đạt trung bình từ 10-15%/năm giai đoạn đến năm 2020, 6-10% giai đoạn đến năm 2025.

Căn cứ thực tiễn và các quy định về đầu tư, Bộ GTVT cho rằng nhà ga hành khách T3 có thể thực hiện theo 4 phương án (hình thức) đầu tư, gồm: Phương án 1 – Giao cho ACV – Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Phương án 2 – Sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư; Phương án 3 – Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Phương án 4 – Đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Qua phân tích các phương án nêu trên, Bộ GTVT khẳng định Phương án 1 (giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện Nhà ga hành khách T3) là phù hợp vì ACV có chức năng, nhiệm vụ, năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý khai thác cảng hàng không; đảm bảo được tiến độ triển khai, tính đồng bộ trong quản lý khai thác. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, về pháp lý, tại Điều 64 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: doanh nghiệp cảng hàng không (ACV) có trách nhiệm quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của cảng hàng không, sân bay và cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ACV được giao khai thác các công trình nhà ga, sân đỗ máy bay… tại 21 CHK hiện hữu do ACV đã đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo lập thị trường từ khi còn sơ khai, do đó ACV đầu tư các dự án nhà ga, sân đỗ… trên 21 CHK xem như là loại dự án đầu tư mở rộng theo Điều 3 Luật đầu tư .

Hiện ACV là doanh nghiệp nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận là Người khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết.

Về Lợi ích nhà nước và xã hội thông qua đấu thầu, Bộ GTVT cho biết là do ACV là doanh nghiệp nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu nên hiện nay ACV thực hiện đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, để đảm bảo công bằng, minh bạch, ACV tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, trong những năm qua ACV đã đầu tư nâng công suất, năng lực khai thác toàn hệ thống cảng từ 40 triệu hành khách/năm (năm 2012) lên hơn 95 triệu hành khách/năm (năm 2017), tăng hơn 2,3 lần. Một số công trình quan trọng đã được đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác như: Nhà ga hành khách T2 Nội Bài; CHKQT Phú Quốc; Nhà ga hành khách CHKQT Vinh; Khu hàng không dân dụng CHK Tuy Hòa; Mở rộng nhà ga hành khách T1, xây dựng Nhà khách VIP HKQT Nội Bài; CHK Thọ Xuân; Cải tạo, nâng cấp CHK Pleiku; Nhà ga hành khách Cát Bi…

Với bề dày kinh nghiệm nhiều năm trong công quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không tại các CHK, sân bay, ACV đã phục vụ hơn 332 triệu lượt khách; 5,1 triệu tấn hàng hóa; 2,3 triệu lượt cất hạ cánh, đảm bảo an toàn trong giai đoạn 2012-2017.

Mặt khác, Tân Sơn Nhất là CHK lớn nhất cả nước, với tần suất khai thác rất lớn cả nội địa và quốc tế, đòi hỏi cao về công tác điều hành, quản lý. Khi ACV khai thác nhà ga hành khách T3, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, linh hoạt dây chuyền phục vụ với các nhà ga hiện có (T1, T2) sẽ tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản. Đồng thời khi ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 sẽ “đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một nhà khai thác cảng hàng không, sân bay; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) phát huy vai trò chủ đạo trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không.

Được biết, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư trung hạn giai đoạn 2018-2025 của ACV đã báo cáo Bộ GTVT, với số dư tiền đang tích lũy hiện nay hơn 20.000 tỷ đồng và tiếp tục tích lũy nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2018-2025, ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện xây dựng nhà ga hành khách T3. Theo sơ bộ hiệu quả tài chính (FIRR đạt 10,3%) cho thấy dự án có hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp (hiệu quả tài chính sẽ được tính toán cụ thể trong kết quả nghiên cứu khả thi dự án).

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo