Xi măng: Tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu tăng

Thị trường tiêu thụ xi măng của cả nước có những diễn biến trái chiều, tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu xi măng gặp nhiều khó khăn nhưng lại có xu hướng tăng trở lại trong tháng 7.

Tiêu thụ nội địa giảm

Theo số liệu mới nhất của Vụ Vật liệu – Bộ Xây dựng, ước tính sản phẩm tiêu thụ xi măng tháng 7/2017 đạt khoảng 6,93 triệu tấn, giảm 3% so với tháng 7/2016. Tuy lượng tiêu thụ xi măng tháng 7 năm nay giảm nhưng lượng tiêu thụ 7 tháng năm 2017 lại tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 48,02 triệu tấn. Đến tháng 7/2017 tiêu thụ xi măng cả nước ước đạt khoảng 60% kế hoạch năm 2017.

So với cùng kỳ năm 2016 thì tháng 7 năm nay tiêu thụ xi măng chậm hơn, tiêu thụ nội địa cũng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2016 còn khoảng 5,33 triệu tấn, đưa con số tiêu thụ trong nước 7 tháng đầu năm 2017 của cả nước ước đạt khoảng 36,68 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2016; Trong đó, Vicem tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt khoảng 12,99 triệu tấn. Tồn kho cả nước tháng 7/2017 khoảng 3,55 triệu tấn tương đương khoảng 15 – 16 ngày sản xuất, chủ yếu là clanke.

Phân tích lý do tiêu thụ nội địa tháng 7/2017 giảm, ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: Tiêu thụ xi măng nội địa tháng 7/2017 giảm so với cùng kỳ năm ngoái là trái quy luật, bất bình thường. Nếu theo biểu đồ tăng, tiêu thụ năm sau phải cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng năm nay tháng 6, tháng 7 tăng trưởng âm, nghĩa là tiêu thụ nội địa giảm so cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân tiêu thụ nội địa giảm, ông Cung cho rằng nhiều công trình đang xây dựng bị đình trệ thi công do giá cát tăng cao đột biến lên 50 – 200%, mặt khác mùa mưa năm nay mưa nhiều, nên lượng tiêu thụ xi măng nội địa giảm mạnh.

Xuất khẩu xi măng tăng trở lại

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2017 Việt Nam đã xuất khẩu được 1.397.198 tấn xi măng và clinker, trị giá xuất khẩu thu về đạt 50.557.614 USD; tăng nhẹ về lượng và trị giá so với tháng 6/2017, với mức tăng tương ứng 9,8% và 14,9%.

Đứng đầu thị trường nhập khẩu xi măng của Việt Nam là Bangladesh, tiếp đến là Philipines, Taiwan và Peru. Tính chung 7 tháng của năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 10.816.884 tấn xi măng và clinker; trị giá xuất khẩu thu về đạt 378.502.694 USD; so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu xi măng và clinker trong 7 tháng của năm 2017 đã tăng 21,3% về lượng và 13,2% về trị giá.

Theo ông Cung, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu xi măng của nước ta vẫn tăng do hợp đồng xuất khẩu ký hợp đồng dài hạn. Nói như ông Cung có thua lỗ cũng cố xuất khẩu vì nếu không sẽ vi phạm hợp đồng và sẽ bị phạt.

Vượt lên khó khăn do phải đối đầu sự cạnh tranh với các “đại gia” xi măng của các nước láng giềng nhưng xi măng Việt Nam vẫn cán mốc tăng trưởng trong xuất khẩu là sự nỗ lực lớn để giải cứu thị trường xi măng trong nước đang dư cung.

Năm 2016, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam đạt 88 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 75 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của Việt Nam đến hết năm 2020 là 93-95 triệu tấn và có thể đạt 130 triệu tấn vào năm 2030. Đến hết năm 2018 tiếp tục có thêm 20 triệu tấn xi măng cung ra thị trường đưa nguồn cung sản lượng đến hết năm 2020 đạt con số 108 triệu tấn.

Nguồn: Báo Xây dựng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo