Xây dựng cơ chế đấu thầu chặt chẽ, giảm thiểu kẽ hở

Thực tiễn đấu thầu sinh động và phức tạp đòi hỏi hệ thống pháp luật về đấu thầu ngày càng phải chặt chẽ, giảm thiểu kẽ hở nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực. Điều này đặt lên vai cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trách nhiệm đề xuất, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách về đấu thầu “đủ tầm”, tạo thuận lợi trong thực thi cũng như nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đấu thầu.

Năm 2019, Cục QLĐT đã tổ chức nghiên cứu, trình hồ sơ dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hồ sơ dự án Luật PPP đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 – tháng 11/2019. Trong năm 2019, Cục QLĐT cũng đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, Cục đã tham mưu cho Bộ KH&ĐT hoàn thiện Dự thảo và đã trình Chính phủ; trình Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Trong năm 2019, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT ngày 25/01/2019 quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu; ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, Cục QLĐT đã ban hành gần 1.000 văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu (xử lý tình huống) cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…; tiếp nhận và có văn bản trả lời các câu hỏi của công dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ (trung bình 30 câu hỏi/tháng) theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ.

Cục QLĐT cũng đã tiếp nhận và xử lý 110 văn bản về kiến nghị trong đấu thầu. Bên cạnh việc hướng dẫn quy trình, thủ tục, các quy định pháp luật về đấu thầu, các văn bản xử lý kiến nghị của Cục còn giúp cảnh báo các cơ quan chức năng, đặc biệt là chủ đầu tư, bên mời thầu và Sở KH&ĐT các địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tại Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu, nhà đầu tư.

Về công tác kiểm tra, thanh tra, giám định về đấu thầu, năm 2019, Cục QLĐT đã chủ trì 5 đoàn kiểm tra công tác ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về đấu thầu và công tác đấu thầu theo kế hoạch tại các địa phương, đơn vị: Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Phú Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Ngoài ra, Cục QLĐT cũng chủ trì kiểm tra, làm rõ một số nội dung trong việc thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh (áp dụng loại hợp đồng BT) theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; thực hiện nhiệm vụ giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam; cử cán bộ tham gia một số đoàn kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại tỉnh Cà Mau, An Giang…

Nguồn: baodauthau.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo