Ứng dụng công nghệ trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh

Sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố đặt ra những thách thức to lớn về cơ sở hạ tầng cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách đô thị. Ứng dụng công nghệ thông minh (công nghệ kỹ thuật số) không chỉ đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho cư dân thành thị mà còn phải đảm bảo rằng các đô thị lớn sẽ luôn giữ vững lợi thế cạnh tranh về mặt kinh tế cũng như các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách có trách nhiệm. Đây là một trong những giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Theo thống kê gần đây nhất của Liên Hiệp quốc, hiện hơn một nửa dân số thế giới đang sinh sống tại các đô thị và mỗi năm có thêm hàng triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị. Xu hướng này sẽ đồng thời dẫn tới sự gia tăng của các siêu đô thị – các thành phố với hơn 10 triệu dân. Năm 2014, thế giới có 28 siêu đô thị, dự đoán sẽ tăng lên đến 41 siêu đô thị vào năm 2030. Các thành phố nhỏ hơn cũng được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng (dự đoán vào năm 2030 con số này có thể đạt trên mức 650 thành phố). Tương tự, tại Việt Nam, nhiều thành phố như Hà Nội và TP HCM… cũng đang phải đương đầu với tình trạng cơ sở hạ tầng quá tải.

Tại Hội thảo “Các thành phố thông minh” vừa diễn ra vào cuối tháng 9/2017 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến tiến trình đô thị hóa, hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các đô thị trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, cũng như trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Nhận định việc xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại trong đó việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội…

Còn ông Joerg Rueger – Bí thư Thứ nhất của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phụ trách về Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên, Xây dựng và Phát triển Đô thị nhấn mạnh: Kỹ thuật số sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức mà chúng ta đang sống và làm việc tại các đô thị của chúng ta. Thành phố thông minh không phải là đích đến cuối cùng. Thực chất là nó được xây dựng nhằm mục đích phục vụ mục tiêu phát triển bền vững về mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong đó, thành phố thông minh sẽ sở hữu một hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin, cung cấp cho toàn thể cư dân nhiều hệ thống thông minh được kết nối chặt chẽ với nhau. Hạ tầng này chính là nhân viên tư vấn “thông minh”, luôn có thể mách bảo kịp thời những thông tin hữu ích, tin cậy cho người dân để họ có thể chọn cách giải quyết hiệu quả. Người dân sẽ dùng thông tin do hạ tầng này cung cấp và trả tiền giống như khi họ sử dụng dịch vụ điện, nước. Tiếp đến là những hệ thống kỹ thuật trong hoạt động của đô thị được ứng dụng công nghệ để trở thành những hệ thống thông minh; có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp trong đô thị, đó chính là các hạ tầng kỹ thuật quan trọng trong đô thị như giao thông, năng lượng, hệ thống chiếu sáng, xử lý chất thải…

Chia sẻ với những thách thức về bùng nổ các KĐT, quá tải hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường mà các thành phố lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt, ông Phạm Thái Lai – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam cho biết: Siemens sở hữu danh mục kỹ thuật số độc đáo để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược của Siemens là cung cấp cho các thành phố những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất.

Khi một thành phố hiện đại có thể cung cấp một hệ thống thông minh đúng nghĩa, giúp cho người dân sử dụng các dịch vụ một cách hiệu quả hơn thì hoàn toàn có thể cung cấp thông tin và yêu cầu người dùng trả tiền. Với chất lượng thông tin cung cấp kịp thời và hữu ích của hệ thống thông tin này, người dân sẽ sẵn sàng trả tiền khi sử dụng hệ thống dịch vụ thông minh này.

Tương tự như các quốc gia khác, Việt Nam cũng đang tiến hành lựa chọn việc triển khai đô thị thông minh (smart city) cho các thành phố lớn nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Điều quan trọng là các thành phố sẽ lựa chọn như thế nào khi triển khai xây dựng đô thị thông minh để có thể giải quyết những khó khăn này, làm hài lòng nhu cầu của người dân…

Nguồn: Báo Xây Dựng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo