Trung Quốc tham vọng xây dựng nhà máy điện mặt trời đầu tiên ngoài không gian

Các nhà khoa học Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời ngoài không gian đầu tiên trên thế giới.

Theo trang tin CGTN (China Global Television Network), công trình xây dựng cơ sở thử nghiệm của dự án đầy tham vọng này đã được khởi công tại Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc cách đây vài tuần.

Theo dự án này, nhà máy điện mặt trời sẽ được lắp đặt trên quỹ đạo trái đất, ở độ cao khoảng 36.000 km. Do được xây dựng ngoài không gian, nhà máy này có thể chế tạo điện năng từ năng lượng mặt trời mà không chịu sự tác động của bầu khí quyển hay các yếu tố mùa vụ, ngày đêm.

Nếu được xây dựng thành công, nhà máy có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch để thực hiện các nhiệm vụ khám phá không gian hoặc truyền xuống các cơ sở trên trái đất để cung cấp điện cho hàng trăm triệu hộ gia đình.

Các nhà chức trách Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ đưa nhà máy điện mặt trời cỡ nhỏ hoặc vừa vào không gian và vào năm 2030 sẽ lắp đặt nhà máy quy mô lớn.

Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản cũng đã tiến hành thử nghiệm các trạm năng lượng mặt trời ngoài không gian. Tuy nhiên, cho tới nay, các dự án này đều đang ở giai đoạn khởi đầu.

Phương thức truyền năng lượng

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng có hai phương thức khả thi để truyền năng lượng từ vũ trụ về các trạm thu ở Trái đất là qua tia laser và sóng điện từ (sóng cực ngắn để chuyển phát tín hiệu đài, vô tuyến và hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng).

Quá trình chuyển năng lượng qua tia laser chỉ đòi hỏi sử dụng các vệ tinh dẫn laser kích thước nhỏ và có mức kinh phí không quá cao, từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Các tia laser có đường kính nhỏ sẽ giúp các nguồn tiêu thụ ở Trái đất nhận điện năng dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu mỗi vệ tinh nhỏ chỉ cung cấp được từ 1 – 10MW, phải cần tới rất nhiều thiết bị như vậy mới có thể cung cấp đủ lượng điện cần thiết. Mặt khác, chất lượng truyền tia laser còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa gió, mây mù ở địa cầu.

Còn đối với sóng điện từ, năm 1964, các nhà khoa học Mỹ từng dùng loại sóng này để chuyển năng lượng thành công cho một chiếc trực thăng. Chúng có ưu điểm là có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết và có thể truyền dẫn hàng GW điện. Nhưng phương pháp này đòi hỏi rất nhiều tấm pin Mặt trời có kích thước lớn và đắt đỏ, vì vậy chi phí để xây dựng trạm vệ tinh năng lượng dẫn sóng điện từ sẽ lên tới hàng chục ngàn tỷ USD. Hiện các nhà nhà khoa vẫn đang phân tích kỹ lưỡng để chọn lấy phương thức truyền năng lượng Mặt trời tối ưu nhất.

BBT

Nguồn: hanoimoi.com.vn | baotintuc.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo