TP.HCM tìm nhà đầu tư cho Dự án Công viên Sài Gòn Safari

Dự án Công viên Sài Gòn Safari dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 450 ha, vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, Dự án đã treo 14 năm và chính quyền TP.HCM đang tìm nhà đầu tư mới cho siêu dự án này.

Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Dự án công viên Sài Gòn Safari đã chính thức nằm trong danh sách mời gọi đầu tư mà Thành phố vừa công bố.

Theo đó, trong danh mục đầu tư du lịch, giải trí với tổng số 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư 2.710 tỷ đồng (khoảng 123 triệu USD), Dự án Công viên Sài Gòn Safari được giới thiệu với các nhà đầu tư là đất sạch, đã có quy hoạch 1/2.000 được duyệt và không nêu tổng vốn đầu tư.

Dự án công viên Sài Gòn Safari được quy hoạch tại khu vực quận 9. Đến năm 2004, dự án được chấp thuận địa điểm tại các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi, do Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Mới đây, tại Kết luận số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện Dự án Công viên Sài Gòn Safari, đã chỉ rõ nhiều sai phạm cũng như những vấn đề còn tồn đọng tại dự án này.

Theo đó, phải mất tới 13 năm (từ 2004 đến 2017), kể từ khi UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Công viên Sài Gòn Safari, thì đồ án quy hoạch mới hoàn thành và phê duyệt là khoảng thời gian quá dài.

Về bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều trường hợp đã không được chính quyền căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà căn cứ theo kết quả kiểm kê thực tế để áp giá là chưa phù hợp với quy định. Cụ thể, trong 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng.

Về việc quản lý sử dụng đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, tổng diện tích đất phải thu hồi của Dự án là 485,35 ha. Sau bồi thường, giải tỏa đã có 689 hộ nhận tiền bồi thường với diện tích giải tỏa là 419,68 ha, hiện còn 16 hộ chưa nhận bồi thường, chưa giao đất, còn khiếu nại.

Đối với vấn đề xây dựng khu tái định cư, UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn I, quy mô 18 ha với tổng mức đầu tư gần 178 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 – 2016. Thế nhưng, đến nay, dự án xây dựng khu tái định cư không triển khai được.

“Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, là dự án trong lĩnh vực về văn hóa, du lịch, nhưng UBND TP.HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định. UBND Thành phố giao Công ty TNHH Một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án, trong khi công ty này không đủ năng lực thực hiện”, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Cần nhắc lại, Công viên Sài Gòn Safari từng được kỳ vọng là khu du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, dự án này đến nay mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng và một số hạng mục xây dựng cơ bản với quy mô nhỏ. Tại TP.HCM, dự án này cũng nằm trong số những dự án lớn bị khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua, liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù chưa thỏa đáng…

Tại phiên họp về kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã bày tỏ sự lo lắng vì nhiều dự án đầu tư lớn, nhưng vẫn nằm trên giấy, hoặc đang đình trệ, trong đó có Dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cho rằng, việc để cho các dự án lớn bị đình trệ hoặc nằm trên giấy là rất lãng phí, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Do đó, hướng giải quyết của Thành phố là chọn một số dự án lớn giải quyết dứt điểm để tạo cú hích, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Hiện nay, Thành phố tập trung xử lý kết luận thanh tra liên quan đến các dự án lớn, trong đó có Dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Trao đổi với một số nhà đầu tư, điều khiến họ chưa “mặn mà” với Dự án Công viên Sài Gòn Safari là bởi khả năng thu hồi vốn, sinh lời từ dự án này không cao. Thành phố cũng chưa có ưu đãi cụ thể và mang tính vượt trội cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khá đặc thù này. Xét về hiệu quả kinh doanh, thì sẽ rất khó có nhà đầu tư quyết định rót vốn cho dự án này.

Theo tìm hiểu, trong số 14 dự án lĩnh vực du lịch, giải trí mà TP.HCM mời gọi đầu tư, ngoài Công viên Sài Gòn Safari, có tới 11 dự án thành phần của Công viên lịch sử – văn hóa dân tộc (quận 9) và 2 dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Tuy nhiên, ngay sau thời điểm TP.HCM công bố Danh mục dự án mời gọi đầu tư, trong khi chưa có nhà đầu tư nào bày tỏ sự quan tâm đối với Dự án Công viên Sài Gòn Safari, thì đã có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án tại Công viên lịch sử – văn hóa dân tộc.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo