TP.HCM thu hút vốn FDI tăng gấp gần 2 lần

Thông tin chính thức về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP.HCM năm 2017 đã được công bố ngày tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018 do UBND TP.HCM tổ chức.

Cụ thể, tổng vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp trong nước đạt 6,38 tỷ USD, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 803 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,34 tỷ USD; 194 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 962,63 triệu USD.

Thành phố cũng chấp thuận cho 2.276 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với tổng số vốn đăng ký 3,68 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo của UBND TP.HCM, các dự án FDI được cấp mới nếu phân theo ngành nghề/lĩnh vực hoạt động: Hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư đăng ký nhiều nhất (43,4%) với 1,01 tỷ USD; tiếp theo là công nghiệp chế biến (24,2%) với 567,93 triệu USD; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (13,8%) với 322,83 triệu USD; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (9,4%) với 220, 49 triệu USD…

Trong đó, một số dự án có quy mô vốn đầu tư lớn như: Dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm tổng vốn gần 886 triệu USD, dự án KNT Asia có vốn 215 triệu USD, dự án của Công ty Tech Mastery Việt Nam với vốn đầu tư 80 triệu USD…

Tính đến nay, tại TP.HCM có 7,372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 45 tỷ USD.

Tại hội nghị, TP.HCM đề ra 20 chỉ tiêu quan trọng phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, trong đó phấn đấu GRDP đạt từ 8,3 – 8,5% so với 2017 (năm 2017 tăng 8,25%).

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thành phố sẽ tổ chức rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất,… ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển công nghiệp 4.0, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm tài chính, đồng thời dành đất cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Trong lĩnh vực phát triển đô thị, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng các khu đô thị tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành. Tập trung đầu tư và hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

TP.HCM cũng xác định tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6; tinh giản biên chế, xác định rõ vị trí việc làm, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; phân công nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đẩy mạnh cải cách hành chính giữa các cơ quan nhà nước và trong nội bộ từng cơ quan gắn với phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử phục vụ tốt nhất quá trình triển khai đô thị thông minh…

Nguồn: Báo Đầu tư Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo