Đặc biệt là trong bối cảnh, Việt Nam được xem là đích đến của sự chuyển dịch địa điểm sản xuất dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cơ hội từ sự chuyển dịch

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đây chính là thời điểm chín muồi cho tăng trưởng của logistics Việt Nam. Nhận định rõn hơn về tiềm năng này, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc Điều hành và Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus chia sẻ: “Sự dịch chuyển cơ sở sản xuất từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam cũng như sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng tiêu thụ nội địa, thị trường bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics đã đến thời điểm chín muồi cho tăng trưởng vượt bậc”.

Điều này được thể hiện ở việc doanh nghiệp nội, nhà đầu tư ngoại cũng “mạnh tay” thực hiện các thương vụ đầu tư, thoả thuận hợp tác.

Cụ thể, đầu năm nay, thị trường logistics đã chứng kiến thoả thuận mang tính bước ngoặt về giao dịch bán và cho thuê lại VSIP Park – Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore – với mức sinh lợi lên đến 10,7%. Đây là mức lợi suất cao hơn nhiều so với mức lợi suất văn phòng chỉ từ 5-6%.

Ngoài ra, một nhà đầu tư khác có thể kể đến là Warburg Pincus, sau khi đầu tư vào Việt Nam từ 2013, đã không ngừng tham gia vào các đơn vị logistics tại Việt Nam. Với tổng giá trị đầu tư cam kết hơn 1 tỷ USD đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là thị trường trọng tâm của chiến lược kinh doanh, Warburg Pincus đã tham gia đầu tư vào nhiều doanh nghiệp trong nước như Vincom Retail. Mới đây, tập đoàn này đã hợp tác với Becamex để thành lập công ty liên doanh BW Industrial để phát triển các BĐS công nghiệp và hậu cần chất lượng cao.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lĩnh vực logistics ngày nay đang gắn liền với tốc độ phát triển của dòng hàng hóa tiêu dùng luân chuyển nhanh, với thương mại điện tử toàn cầu. Do vậy, thị trường logistics Việt Nam tiếp tục rất hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài.

Chính vì vậy, vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận được những thương vụ lớn như Alipay của Jack Ma – nhà sáng lập của Alibaba bắt tay với Tổng công ty thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas). Trong khi đó, cổng thông tin thương mại điện tử nội địa Tiki đã nhận được 44 triệu USD đầu tư từ JD.com – đối thủ cạnh tranh của Alibaba. Bên cạnh đó vào năm 2016, Central Group đã thâu tóm Zalora Việt Nam và chính thức đổi tên thành Robins Việt Nam…

Sức ép phải vươn lên

Được biết, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chủ yếu đảm nhiệm toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho. Đây là những “trăn trở” của ngành bên cạnh những tiềm năng và dự địa nhiều như nêu. Bên cạnh đó, những con số về thời gian và chi phí xuất, nhập khẩu vẫn đang được xem là “hòn đá tảng” trong ngành logistics.

Cụ thể, báo cáo Doing Business 2018 của World Bank đã chỉ ra, Việt Nam đang mất 105 giờ để xuất khẩu sản phẩm có lợi thế so sánh và 132 giờ để nhập khẩu phụ tùng ô tô, dài hơn đáng kể so với 62 giờ và 54 giờ của Singapore. Trong viễn cảnh dự báo tăng trưởng ngành logistics tăng mạnh trong thời gian tới, thì có lẽ chi phí như vậy sẽ loại bỏ tính hấp dẫn của ngành.

Ngoài ra, chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Trong tổng số, chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% so với chỉ 10-15% ở các nước phát triển như Singapore.

Thêm nữa, là sự chậm tiến độ của các dự án giao thông vận tải trong hoạt động bồi thương và giải phóng mặt bằng, huy động vốn cũng như mô hình hợp tác công – tư (PPP) chưa đem đến được nhiều thành công như mong đợi cũng đang là những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra làm kéo chậm tốc độ phát triển của logistics.

Nguồn: enternews.vn