Shigeru Ban – ‘phù thủy’ xây nhà bằng giấy carton cho những người tị nạn

“Tôi là kiến trúc sư duy nhất trên thế giới làm ra những tòa nhà từ giấy như ống giấy carton này…Một ngôi nhà làm từ giấy cũng có thể trường tồn, nếu người ta yêu mến nó. Và ngay cả một ngôi nhà bê tông cốt thép cũng có thể chỉ là một thứ tạm bợ, như những gì chúng ta đã thấy trong các trận động đất…Các bạn đừng chỉ chăm chăm vào việc xây dựng những công trình đồ sộ cho người giàu, người có vị thế vì họ trả tiền cho bạn, hãy dùng tài năng của mình để sáng tạo ra những công trình nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là những người dân ở vùng thiên tai” – Shigeru Ban.

Vừa bước qua tuổi lục tuần, Shigeru Ban – một kiến trúc sư người Nhật- người dành được “Nobel kiến trúc” Pritzker 2014 với lòng bác ái của mình đã có những đóng góp to lớn, đầy ý nghĩa cho kiến trúc hiện đại và kiến trúc xã hội. Với khả năng áp dụng tinh tế các kiến thức thông thường, những kỹ thuật và vật liệu độc đáo trong những bối cảnh khác nhau, Shigeru tạo ra được những công trình kiến trúc mang đậm phong cách của riêng ông.

Và khi nhắc đến Shigeru Ban người ta thường nhắc đến với một niềm ngưỡng mộ cho những công trình bằng giấy bìa carton của ông. Đối với những người hoài nghi sẽ chỉ nghĩ rằng sao mà với những tờ bìa gặp nước thì mủn, gặp lửa thì bén lại có thể dùng để xây dựng được chứ. Nhưng nhờ Shigeru thì chúng hoàn toàn có thể.

Đối với ông, những ống giấy bền và chắc hơn vẻ bề ngoài của chúng. Vì là một loại vật liệu công nghiệp nên ông có thể gia cố lớp chống thấm và chống lửa cho chúng. Bên cạnh việc dựng những ống giấy san sát nhau để làm nhà, ông còn biến tấu để những ống giấy có thể tạo nên được những hình dạng đẹp không ngờ.

Với sự cách tân có một không hai này, Shigeru không chỉ tạo ra được những công trình kiến trúc tuyệt vời mà còn là một giải pháp mang đầy tính nhân văn. Những ống giấy của ông chứng minh rằng nó rất rẻ, dễ tháo lắp, tái chế, tái sử dụng dễ dàng, thêm vào đó, thiết kế nhà ở nhanh, tiết kiệm và bền vững của ông đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho người vô gia cư, người di tản và những người là nạn nhân của thảm họa thiên nhiên.

Những kỳ quan bằng giấy

Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 1

Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 3
Nhà thờ Christchurch bằng giấy xây trên nền một nhà thờ bị phá hỏng hoàn toàn ở New Zealand. Ban đã làm lại nhà thờ này cho cư dân địa phương sau một trận động đất chết nhiều người – Ảnh: shigerubanarchitects.com

Năm 1986, khi rất ít người nói về các vấn đề môi trường hay các vật liệu tái chế, Shiregu Ban đã thử nghiệm sử dụng các ống giấy carton để làm vật liệu xây nhà. Ông nói: “Ban đầu việc thử nghiệm rất phức tạp, nhưng loại vật liệu này chắc hơn tôi tưởng, và rất dễ để làm cho chúng không thấm nước. Thậm chí, trong công nghiệp, người ta có thể làm cho nó chống được lửa”.

Đến năm 1990, lần đầu tiên ông xây một ngôi nhà bằng giấy thực sự. Đó là lúc chính quyền thành phố Odawara (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) muốn kỷ niệm 50 năm thành lập, và họ muốn xây một hội trường tạm thời cho đợt kỷ niệm. Vị thị trưởng muốn xây tòa nhà đó bằng gỗ, với giá rẻ và phải hoàn thành trong thời gian khá gấp. Shigeru Ban đã đề nghị xây tòa nhà bằng giấy. Cuối cùng, ông và các đồng sự đã xây hội trường đó bằng 330 ống giấy carton, đường kính 55 cm, ngoài ra có 12 ống giấy đường kính 120 cm. Ông nói đùa: “Lỡ bạn có hết giấy vệ sinh, bạn có thể xé ngay giấy trên tường cũng được”.

Vào năm 2000, khi tham gia một triển lãm Expo lớn ở Đức. Ông Ban được mời đến thiết kế một tòa nhà trong đợt triển lãm theo chủ đề về môi trường. Ông nói: “Thành quả của tôi không phải là khi tòa nhà được xây lên, mà là lúc nó bị phá sập đi. Có rất nhiều nước đến tham dự, sau khi hết kỳ triển lãm và dọn dẹp, đã thành một đống rác công nghiệp. Tòa nhà của tôi có thể tái chế hoặc sử dụng lại ngay. Nên đó là thành quả của thiết kế tôi tạo ra”.

shigeru-ban-nghe-thuat-xay-nha-bang-ong-giay-10
Nhà ở bằng giấy – Ấn Độ, 2001
shigeru-ban-nghe-thuat-xay-nha-bang-ong-giay-11
Cầu Cardboard trên sông Gardon, Pháp, 2007

shigeru-ban-nghe-thuat-xay-nha-bang-ong-giay-12

shigeru-ban-nghe-thuat-xay-nha-bang-ong-giay-13
Trung tâm Pompidou- Metz, Metz, Pháp, 2010

Trong sự nghiệp kiến trúc của mình, Shigeru Ban đã làm ra rất nhiều công trình nổi tiếng và hoành tráng như Bảo tàng Pompidou ở thành phố Metz (Pháp). Nhưng đấy lại không phải tất cả những gì ông mơ ước…

Nỗi thất vọng nghề nghiệp –  Con đường đến với những thành tựu mới

“Nhưng tôi đã rất thất vọng với nghề nghiệp của mình. Chúng tôi không giúp đỡ ai, chúng tôi không làm việc cho xã hội, mà chỉ làm việc cho những người quyền lực, giàu có, chính phủ, những nhà phát triển. Họ có tiền và sức mạnh. Những thứ đó không thấy được bằng mắt thường. Nên họ thuê chúng tôi để thể hiện quyền lực và sức mạnh của mình bằng cách xây những công trình hoành tráng. Nghề nghiệp của chúng tôi là vậy, trong lịch sử cũng vậy, giờ chúng tôi cũng y như vậy”, Shigeru Ban nói khi trò chuyện về nghề nghiệp của mình trong khán phòng của TED.

“Tôi thấy vọng vì chúng tôi không làm gì cho xã hội, ngay cả khi có rất nhiều người mất nhà cửa vì thảm họa tự nhiên”, ông Ban nói về con đường dẫn ông đến với những thành tựu còn đáng kinh ngạc hơn những vẻ đẹp kỳ vĩ ông đã tạo ra trước đó.

Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 6
Năm 1995, tại Kobe (Nhật Bản), Shigeru Ban đã xây cho những người mất nhà cửa sau thảm họa một nhà thờ bằng giấy. Ban đầu, ông nghĩ nhà thờ chỉ dùng tạm 3 năm. Nhưng cuối cùng, nó đã bền bỉ đến 10 năm
Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 7
Sau trận động đất ở Haiti năm 2010, ông Ban đã lái xe 6 tiếng từ Cộng hòa Dominica đến Haiti để xây 50 căn lều tạm bằng giấy cho những người địa phương, kết hợp với những vật liệu có sẵn tại chỗ
Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 8
Năm 2014, tại Cebu (Philippines), ông Ban đã cùng mạng lưới kiến trúc sư tình nguyện của mình xây lại nhà bằng ống carton và lá dừa có sẵn cho người bị nạn từ bão Haiyan – Ảnh: shigerubanarchitects.com

Năm 1999, sau một thảm họa ở Rwanda, châu Phi, khi bộ tộc Hutu và Tutsi giao tranh, khiến hơn 2 triệu người trở thành người tị nạn. Những căn lều trú trong trại tập trung đầy những người ngồi rét run trong tấm chăn của mình khi mưa đổ xuống. Khi đó, Liên Hiệp Quốc cung cấp những tấm bạt nhựa cho người dân làm lều bằng các nhánh cây chặt được. Tình hình nhếch nhác, dơ bẩn, lạnh cóng và thậm chí… 2 triệu người cùng chặt cây làm lều sẽ biến thành thảm họa phá rừng. Sau đó, Liên Hiệp Quốc tiếp tục cung cấp thêm các thanh thép để làm lều hoặc một số trại dựng bằng thép. Nhưng thép lại quá đắt tiền. Ông Shigeru Ban đã đến và giới thiệu kết cấu lều bằng ống carton giấy, rất khỏe, chống nước và giá chỉ có 50 USD/lều.

Những căn lều thô sơ chống được gió lạnh, nước mưa và giá rẻ này sau đó đã trở thành bước ngoặt, theo ông Ban đi khắp thế giới và làm hồi phục “nỗi thất vọng” của ông. Shigeru Ban đã lao vào “tâm bão” của các thảm họa và khiến những ống giấy làm nên điều kỳ diệu.

Trong trận động đất năm 1995 tại Kobe (Nhật Bản), 7.000 người đã bị chết. Ở thành phố Nagata, tất cả bị thiêu rụi vì một trận hỏa hoạn sau động đất. Có rất nhiều người Việt Nam đã tụ tập trú ẩn ở một nhà thờ, trong khi nhà thờ đó gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Shigeru Ban đến gặp cha sứ và đề nghị: “Sao chúng ta không xây một nhà thờ mới bằng giấy carton?”. Cha sứ không đồng ý với ý tưởng đó vì lo sợ các cơn hỏa hoạn mới sau cơn động đất. Ông Ban đã đến và gặp cộng đồng người Việt Nam. Mọi người đều phải sống trong những chiếc hộp giấy dựng tạm trong công viên vì nhà cửa bị phá hủy hết. Ông tự gây quỹ và xây một hệ thống những lều trú ẩn làm bằng giấy carton cho những người Việt đang khổ sở trong động đất.

Khi vị cha sứ nhìn thấy những gì Ban làm, đã đồng ý cho phép ông xây lại nhà thờ, với một câu nói: “Nếu ông tự gom được tiền và mang sinh viên đến đây xây, thì ông có thể làm”. Tất cả những thách thức đó chỉ khiến nhóm kiến trúc sư của Shigeru Ban mất 5 tuần để xây lại nhà thờ. Ông nói: “Tôi mong nó tồn tại được trong 3 năm”. Nhưng công trình kỳ lạ này đã đi vào lịch sử ngành kiến trúc vì cuối cùng nó tồn tại được đến… 10 năm. Và thậm chí, sau 10 năm đó, ở Đài Loan có một trận động đất lớn, cộng đồng địa phương đã quyết định “tặng” cái nhà thờ này cho Đài Loan. Tòa kiến trúc đã được gỡ ra, mang đến Đài Loan, lắp lại và lại phục vụ những người nghèo khổ sở sau thảm họa. “Nhà thờ bằng giấy” đã trở thành biểu tượng của sự bình an ngay giữa thảm họa, để con người có thể dựa vào và tái thiết cuộc sống của họ sau những mất mát.

Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 9

Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 10
Chỉ bằng vải và ống carton, Ban đã tạo ra những “mái ấm” nhỏ trong những ngôi nhà trú ẩn đầy lộn xộn ở Nhật sau sóng thần 2011 – Ảnh: shigerubanarchitects.com
Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 11
Một mẫu “nhà giấy” trong trận động đất tại Kobe của ông Ban – Ảnh: shigerubanarchitects.com

Năm 1999, Ban đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2001 đến Tây Ấn độ, chỉ dẫn người địa phương dùng nguyên liệu tại chỗ và xây những chiếc lều bằng giấy sau thảm họa. Ở Sri Lanka năm 2004, ông đã xây lều ở cho cả ngôi làng của những nạn nhân sóng thần và thảm họa. Năm 2008, ông giúp xây phòng học bằng giấy sau động đất giết chết 70.000 người ở Chengdu (Trung Quốc). Năm 2009, ông đã xây cho những nghệ sĩ Ý một phòng hòa nhạc bằng giấy L’Aquila sau khi nơi này sụp đổ vì thảm họa.

Và khi trận sóng thần xảy ra ở Nhật năm 2011, Ban đến các trại tị nạn, ông thấy những người dân phải ở tạm bợ trong những trung tâm thể thao (là các tòa nhà lớn còn lại, không bị phá hủy), sinh hoạt chung, ăn ngủ chung, hoàn toàn không có chút không gian riêng nào. Ông nói: “Mọi người phải chịu đựng cả nỗi đau vật chất và tinh thần”. Các sinh viên và ông đã xây những vách ngăn bằng giấy và vải, một kết cấu cực kỳ đơn giản và rẻ tiền cho ngôi làng Onagawa ở Miyagi. Sân thể thao trong nhà đã trở thành những căn phòng rất bé, nhưng riêng tư và gọn gàng. Mọi người không gặp phải những sự khó xử vì đụng mặt nhau quá nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Đó là cách những ống giấy của Shigeru Ban trở thành hiện thực trong cuộc sống sau thảm họa.

Shigeru Ban - 'phù thủy' xây nhà bằng giấy carton - ảnh 12
Chân dung kiến trúc sư Shigeru Ban, khi ông đi thăm bảo tàng Pompidou ở Pháp – Ảnh: Reuters

Năm 2013, Shigeru Ban và các sinh viên của mình đã xây một công trình bằng giấy xinh đẹp, nhà thờ Christchurch, sau một trận động đất ở New Zealand. Nhà thờ xinh đẹp này đã nổi tiếng không chỉ vì nó xuất hiện đúng lúc để an ủi tinh thần cho những người dân New Zealand mất nhà cửa sau thảm họa, mà còn là một nơi để họ cầu nguyện, trú ẩn trong thời gian hồi phục. Ban nói: “Tôi muốn xây những tòa nhà hoành tráng được mọi người yêu quý”.

Tháng 3.2014, Shigeru Ban đoạt giải Pritzker Architecture Prize, một giải thưởng kiến trúc được ví von như “Nobel kiến trúc”. Giờ đây, ông không còn đơn độc, tự ông đã sáng lập ra một tổ chức với tên gọi “Voluntary Architects’ Network (VAN)” – Mạng lưới kiến trúc sư tình nguyện – và họ đang cùng ông đi khắp thế giới để xây nhà cho những người cần nhà nhất, lạnh nhất và cô đơn nhất. Đó là cách để ông vơi dần “nỗi thất vọng” với nghề nghiệp mà ông theo đuổi.

Nguồn: designs.vn | thanhnien.vn | handhome.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo