Quảng Bình: Tập trung phát triển năng lượng tái tạo

Thuộc dải đất duyên hải Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Bình có vị trí, điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời. Từ lợi thế ấy, bên cạnh việc tích cực kêu gọi các nhà đầu tư, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện đề án quy hoạch.

Tiềm năng cần được khai thác

Nắm trong tay các yếu tố như cường độ bức xạ trung bình trong ngày trong năm đạt khoảng 4,03 kWh/m2, số giờ nắng trong năm trung bình từ hơn 1.600 đến gần 2.000 giờ, tốc độ gió đo được tại vùng lập quy hoạch điện gió có vận tốc bình quân khoảng trên 5,5 đến 6,2 m/s, chi phí đền bù thấp, thuận tiện về giao thông và đấu nối vào lưới điện quốc gia. Quảng Bình hiện đang tiếp cận vào lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch 1.623ha đất tại các xã ven biển thuộc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy để phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo bao gồm các dự án điện gió và dự án điện mặt trời (theo Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 14/8/2017).

Và theo phân tích từ Đề án Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035 cho thấy: Quảng Bình có tiềm năng gió tương đối tốt, có khả năng phát triển điện gió quy mô công nghiệp ở các huyện ven biển như các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tổng tiềm năng gió kỹ thuật đạt khoảng trên 1052MW.

Đây là cơ sở cho việc phát triển sản xuất điện gió và tự sản tự tiêu cho trang trại, hộ gia đình không nối lưới. Việc quy hoạch phát triển điện gió nhằm xây dựng Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Theo đánh giá tiềm năng các khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình có thể phát triển nhà máy điện mặt trời gồm huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới. Tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 599,5 MWp với tổng mức đầu tư là 14.911 tỷ đồng và nhu cầu sử dụng đất khoảng 717,8ha.

Việc quy hoạch phát triển điện mặt trời sẽ giúp nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các bên có liên quan chủ chốt trong ngành đánh giá được tiềm năng, hiện trạng khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời cho mục đích sản xuất điện; sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời, quy hoạch này còn giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai thực hiện dự án tại địa phương theo quy hoạch được phê duyệt.

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư

Trên cơ sở quy hoạch, Quảng Bình cũng đã giới thiệu địa điểm cho 03 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu phát triển các dự án điện gió như Cty CP Điện gió B&T, khảo sát thực hiện dự án với diện tích 1.258ha tại xã Gia Ninh và Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) với tổng công suất 105MW; Cty CP Tổng Cty Tân Hoàn Cầu đã lắp đặt cột đo gió tại Bãi Dinh (Minh Hóa), đăng ký thực hiện dự án điện gió với tổng công suất 300MW và Cty UPC Renewable Asia Ilimited lắp đặt 02 cột đo gió tại xã Hưng Thủy và Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) để khảo sát, nghiên cứu phát triển dự án.

Cùng đó, địa phương sẽ áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư được quy định trong Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Đối với Đề án Quy hoạch phát triển điện năng lượng tái tạo phải đảm bảo các nguyên tắc như: Tôn trọng các quy hoạch đã được phê duyệt gồm quy hoạch chung đô thị Kiến Giang đến năm 2035; quy hoạch chung đô thị Dinh Mười đến năm 2020; quy hoạch ba loại rừng.

Ưu tiên vùng ven biển cho phát triển dịch vụ, du lịch; hạn chế chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ; tôn trọng các dự án đầu tư đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, các dự án có chủ trương cho phép bổ sung vào quy hoạch; không chồng lấn khu vực quy hoạch khoáng sản.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phải được xem xét cẩn trọng, ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, tránh các nhà đầu tư không có năng lực, kinh nghiệm chiếm chỗ.

UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá rất cao tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch Thường trự UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Công thương khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch, trong đó cần lưu ý việc quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời phải hài hòa với quy hoạch khác trên địa bàn; không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, du lịch và môi trường sinh thái; điều chỉnh các địa danh phù hợp với thực tế; cập nhật cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đã được phê duyệt nhằm có sự kết nối.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo