An Phát Plastic lạc quan với doanh thu 10.000 tỷ đồng, đổi tên thành CTCP Nhựa An Phát Xanh

Tại ĐHĐCĐ năm 2019 tại Hải Dương, CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (An Phát Plastic, mã Ck: AAA) đặt mục tiêu 10.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 510 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, đồng thời thông qua việc đổi tên Công ty thành CTCP Nhựa An Phát Xanh.

Đại hội đã tổng kết hoạt động năm 2018 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019, cũng như các nội dung trong các báo cáo và tờ trình liên quan đến công tác điều hành và hoạt động của Công ty.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch AAA cho biêts,
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch AAA cho biết, việc đổi tên công ty nhằm phù hợp hơn với định hướng chiến lược sản phẩm “xanh” của AAA.

Mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng

Năm 2018, AAA đặt mục tiêu doanh thu 6.000 tỷ đồng nhưng đã về đích với kết quả hơn 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 180 tỷ đồng, đạt gần 55% kế hoạch đề ra.

Giải thích nguyên nhân lợi nhuận “mỏng”, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT AAA cho biết, mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng trong năm 2018, nhưng với nhiều lý do khách quan, đơn cử như việc bao tiêu cho Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn không thuận lợi như kế hoạch đã ảnh huưởng đến mục tiêu kinh doanh của Công ty.

Tuy nhiên, 2019, AAA có nhiều lý do để đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu “khủng”. Cụ thể, AAA đặt mục tiêu 10.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 510 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ từ 15% – 20%.

Ngoài việc tiếp tục nâng cao sản lượng, Công ty tiếp tục nâng cấp toàn diện, vươn tầm đẳng cấp quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động. Trong đó, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng KCN Kỹ thuật cao An Phát, đạt tỷ lệ khai thác 40% cho năm 2019. Công ty tiếp tục đầu tư máy móc, dây chuyền, mở rộng sản xuất tại nhà máy AAA; Đầu tư xây dựng nhà máy tại Mỹ chuyên sản xuất bao bì và các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.

Trả lời câu hỏi của cổ đông cá nhân về những mối lo ngại xung quanh vấn đề “tăng trưởng nóng”, ông Phạm Ánh Dương khẳng định: “Ngay từ khi đặt tên Công ty, chúng tôi đã lựa chọn chữ “An” đặt lên hàng đầu, sau đó mới tới “Phát”. Bởi vậy, sự “tăng trưởng nóng” ở An Phát không phải là cái “nóng bỏng tay”, nóng trong lúng túng do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mà là “nóng” ở một mức độ an toàn và vẫn trong tầm kiểm soát nhất định.

Ông Dương cũng nhấn mạnh, để có được sự tăng trưởng mạnh như vậy thì trước đó, An Phát đã có một thời gian dài chuẩn bị rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi không định vội vã chạy theo thành tích, mà lựa chọn hướng tăng trưởng tùy theo những cơ hội mình nắm bắt được. Chúng ta cần xem xét và phân biệt rõ thế nào là “nóng”, thế nào là cơ hội cần nắm bắt”.

Một thực tế tại An Phát là mỗi nhà máy đi vào hoạt động đều nhận được hàng loạt đơn đặt hàng từ khách hàng khắp trong và ngoài nước và chạy hết công suất, khác hoàn toàn với tình trạng “đói đơn hàng” như nhiều trường hợp khác. Ngành nhựa Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có tuổi đời rất lâu nhưng sản phẩm qua bao năm vẫn không có đột phá hay đổi mới.

“Chúng tôi đã vượt lên với mục tiêu tăng trưởng vững chắc bởi bởi An Phát luôn nghiên cứu kỹ lưỡng về mức độ khả thi trước khi vào cuộc”, ông Dương nói.

Một nội dung quan trọng khác là việc xin đổi tên Công ty, cổ đông đã thống nhất đổi tên Công ty từ CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) thành CTCP Nhựa An Phát Xanh – An Phat Bioplastic.JSC.

Lãnh đạo AAA cho biết, tên gọi cũ nhiều khi dẫn đến hiểu nhầm trong hoạt động của doanh nghiệp, không rõ nét với chiến lược của công ty, do đó việc điều chỉnh tên công ty nhằm phù hợp hơn với định hướng chiến lược sản phẩm “xanh” của AAA.

Ông Phạm Ánh Dương cho hay, cơ sở tăng trưởng của AAA trong năm 2019 dựa trên 4 yếu tố cốt lõi, bao gồm: Đẩy mạnh biên lợi nhuận mảng sản xuất; Đẩy mạnh khai thác khu công nghiệp An Phát Complex; Cải thiện biên lợi nhuận thương mại và lợi nhuận từ các dự án mới.

Năm 2019, một trong những dự án được AAA kỳ vọng lớn là Dự án Khu công nghiệp An Phát Complex. Sau một thời gian mua lại Dự án đắp chiếu 10 năm của nhà đầu tư Đài Loan, hiện dự án này đã được đầu tư thêm hơn 2.000 tỷ đồng, và hiện đã có một số doanh nghiệp FDI từ Đài Loan, Hồng Kong đặt vấn đề thuê nhà xưởng.

“Chúng tôi sẽ triển khai mảng sản xuất chuỗi công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa, thu hút các doanh nghiệp FDI vào đầu tư nhưng có lựa chọn nhằm hướng tới đích đến là hình thanh chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp này”, ông Phạm Ánh Dương cho hay.

Điểm khác biệt lớn nhất: An Phát không xác định lấy việc bán đất làm mục tiêu chính mà tập trung vào phát triển các dịch vụ đi kèm. Tại đây, chúng tôi cung cấp hàng loạt các giải pháp cho doanh nghiệp như các vấn đề về tài chính, nguồn nhân lực, hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ, thủ tục hành chính, đăng kí kinh doanh, hải quan và thậm chí có cả dịch vụ logistic.

Tóm lại, khi xây dựng cơ sở tại An Phát Complex, nhà đầu tư có thể yên tâm về một chu trình và hệ sinh thái khép kín với đầy đủ các tiện ích. Chúng tôi sẽ không theo hướng đi bán đất và “mặc kệ” nhà đầu tư, mà xác định hợp tác toàn diện, lâu dài và phục vụ khép kín.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo