Nhiều thách thức trong đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp

Được đánh giá là phân khúc tiềm năng của thị trường nhưng bất động sản công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam

Triển vọng đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp được thể hiện rõ khi những “ông lớn” hàng đầu thế giới đến từ Mỹ như Nike hay Adidas của Đức đang chuyển dần về Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện về việc cung cấp quỹ đất để phát triển hạ tầng các khu công nghiệp có chất lượng tốt.

Đó là chia sẻ của một trong những nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệp đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ông Tong Chee Kiong, CEO BW Industrial.

Cụ thể, ông Tong Chee Kiong chia sẻ: “các nhà sản xuất là doanh nghiệp địa phương hoặc các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam, nhằm tránh những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung”.

Doanh nghiệp sản xuất trong các ngành như dệt may, hàng tiêu dùng, lắp ráp điện tử… sẽ là những ngành tiếp tục tục được các doanh nghiệp, nhà đầu tư này đẩy mạnh sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Đáng nói, việc chuyển dịch của các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam không chỉ để “né” chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mà còn do chi phí sản xuất tại Việt Nam cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, báo cáo mới đây của của Công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle (JLL), chi phí sản xuất tại Việt Nam chiện chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc.

Theo đó, tại thành phố lớn như Thượng Hải ở Trung Quốc ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 usD/m2, cao hơn so với các thành phố Đông Nam Á khác, trong đó Việt Nam đang có mức giá đất tương đối cạnh tranh, chỉ ở mức 100-140 usD/m2.

“Ngoài việc có chi phí thuê đất, nhân công cạnh tranh và vị trí thuận lợi thì các hiệp định thương mại tự do của Việt nam với EU, Chi lê, Hàn Quốc, liên minh thuế quan,… là lợi ích vô cùng quan trọng của các nhà sản xuất quốc tế, bởi sẽ giúp gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu”, đại diện phía JLL nhấn mạnh.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh như vừa nêu, khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong hoạt động đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp.

Ông Stephen Wyatt – Tổng giám đốc Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam.

Cụ thể, ông Stephen Wyatt – Tổng giám đốc Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam) cho biết: hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ từ nhà xưởng, kho bãi đến các trục đường bộ. Điều này khiến nhà đầu tư phải bỏ thêm một khoản chi phí khác nữa. Điều này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hoạt động thu hút đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào bất kỳ khu công nghiệp nào.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát, một trong những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm “hồi sinh” được nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp “đắp chiếu” nhiều năm, chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp An Phát Complex, cho biết: “Yếu tố quyết định đến việc lựa chọn điểm đến đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài đó chính là hệ sinh thái của khu công nghiệp đó”.

Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát.

Theo đó, khu công nghiệp chỉ có hạ tầng tốt thôi chưa đủ, mà còn phải cung cấp các dịch vụ như logsistics, vận tải, đặc biệt là có “hàng xóm” có thể tham gia chuỗi cung ứng được cùng với các doanh nghiệp của họ. Giống như một ngôi nhà hiện đại, đầy đủ tiện nghi thì bất cứ người thuê nào cũng muốn.

Ngoài ra, ở góc độ chuyên gia, TS Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một lưu ý nhỏ rằng, cũng giống như lựa chọn thu hút FDI nói chung, cần có sự chọn lọc, và đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp cũng vậy.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư hay kinh doanh hãy nhìn vào tổng thể để lựa chọn đối tác. Không nên để một khối các nhà đầu tư không tin cậy đến từ một quốc gia, một vùng lãnh thổ nào đó chiếm lĩnh phần lớn thị phần đầu tư nước ngoài, mà phải đa dạng dòng vốn, tránh phụ thuộc.

Tính đến năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 93 nghìn hec ta. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 73%.Bên cạnh đó, cũng trong năm 2018, tổng vốn FDI cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 35,46 tỷ đô la mỹ trong đó, tổng vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế và vốn tăng thêm đạt hơn 8,3 tỷ đô la mỹ, tương đương 23,4%. Theo các công ty nghiên cứu thị trường thì xu hướng đầu tư vào hạ tầng bất động sản sẽ tiếp tục gia tăng nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư.

Nguồn: enternews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo