Nghịch lý ODA: Tiền tiêu không hết vẫn cần vay thêm

Giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đến mức báo động. Nghịch lý “có tiền không tiêu được” tác động trực tiếp tới giải quyết các vấn đề dân sinh, tăng trưởng kinh tế… Vấn đề nằm ở đâu?

Ngày 22-8, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã phê bình Bộ Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công…

“Cần kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2) đang thuộc nhóm các dự án chậm giải ngân vốn. Dự án này sẽ xây dựng tuyến cống dài 8km thu gom nước thải từ bờ đông sông Sài Gòn đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2; xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối nước thải đến từng hộ gia đình ở Q.2. Tổng mức đầu tư dự án là trên 11.100 tỉ đồng.

Năm 2019, dự án đăng ký kế hoạch sử dụng nguồn vốn ODA 1.000 tỉ đồng (sau đó xây dựng lại kế hoạch còn 800 tỉ đồng). Nhưng đến tháng 6-2019, giải ngân từ nguồn vốn ODA  cho dự án này mới được… 99 tỉ đồng.

Việc chậm giải ngân vốn cùng với nợ đọng trước đó, khiến dự án này nợ các nhà thầu khoảng 300 tỉ đồng. Nhiều hạng mục của dự án thi công cầm chừng.

Trước đó (ngày 18-3-2019), Công ty Italian-Thai Development Public (ITD) – nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 1 dự án này – dọa tiếp tục giảm công việc hoặc tạm ngưng thi công vì chưa nhận được tiền thanh toán.

Đến nay, việc giải ngân vốn ODA từ trung ương cho dự án vẫn chưa được khơi thông. Dự án đã chậm 4 năm so với kế hoạch…

Theo UBND TP.HCM, hiện trên địa bàn TP đang triển khai 11 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng vốn đầu tư 104.070 tỉ đồng (trong đó vốn ODA hơn 88.565 tỉ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng).

Trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến metro số 2; dự án cải thiện môi trường nước – lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ (giai đoạn 2, bao gồm các hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, mở rộng nhà máy xử lý nước thải, xây lắp hệ thống cống thu gom nước thải…

Trong năm 2019, TP.HCM được giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 800 tỉ đồng và vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ là hơn 5.490 tỉ đồng. Tuy vậy tính đến tháng 6-2019, nguồn vốn ODA giải ngân được chỉ 99 tỉ đồng, vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ chỉ đạt hơn 7,6 tỉ đồng…

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền – giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, sau 5 tháng, cả TP có tới 36/55 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ giải ngân.

Một số dự án đầu tư công tại Hà Nội triển khai thủ tục đầu tư chậm, chưa phê duyệt được thiết kế, dự toán – điển hình như xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên; đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng…

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dùng vốn vay ODA cũng chậm tiến độ, Bộ GTVT đánh giá khó hoàn thành trong năm 2020 theo kế hoạch. Nguyên nhận chậm tiến độ của các gói thầu thuộc dự án chủ yếu do thiếu vốn đối ứng, vốn ngân sách “tắc”…

Nghịch lý ODA: Tiền tiêu không hết vẫn cần vay thêm - Ảnh 3.                                    Thi công nhà ga tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM) 

Tiền tiêu không hết vẫn cần vay thêm

Trong khi nhiều dự án chậm tiến độ, Hà Nội vẫn tiếp tục đề xuất vay thêm tiền để làm giai đoạn tiếp theo. Đó là trường hợp tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai.

Đoạn tuyến Nhổn – ga Hà Nội mới giải ngân được 55% tổng vốn đầu tư. Nhưng mới đây UBND TP Hà Nội tiếp tục đề xuất vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 1,48 tỉ USD (34.296 tỉ đồng) đầu tư thêm đoạn tuyến còn lại từ ga Hà Nội – Hoàng Mai.

Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện vay, trả nợ vốn vay nước ngoài mới đây, UBND TP.HCM cho rằng việc giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn TP còn chậm trễ chủ yếu do công tác giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ trung ương chưa kịp thời và không phù hợp với tình hình thực hiện của các dự án.

Điều này còn phát sinh nhiều hệ lụy như phải thanh toán lãi phát sinh do chậm thanh toán theo quy định của hợp đồng, nhà thầu tạm dừng hoặc ngừng thi công.

UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét chấp thuận tạm ứng từ ngân sách trung ương để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.

Trường hợp ngân sách trung ương chưa thể tạm ứng thì chấp thuận cho UBND TP tạm ứng từ ngân sách TP.HCM và sau đó hướng dẫn UBND TP thực hiện thủ tục hoàn trả khi Bộ KH-ĐT bố trí vốn.

Nghịch lý ODA: Tiền tiêu không hết vẫn cần vay thêm - Ảnh 4.

Lãng phí lớn

TS Trần Quang Thắng – viện trưởng Viện Quản lý và kinh tế (IEM) – đưa thực tế đa số nguồn vốn ODA đều phải thông qua sự quản lý và cấp phát lại từ trung ương. Việc này có thể tiện cho công tác quản lý nhưng mất đi sự linh hoạt. Ông Thắng đề xuất cần thiết phải giao sự chủ động về cho các địa phương, đặc biệt là các TP lớn.

TS Cấn Văn Lực – kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài.

Đặc biệt, việc giải ngân chậm gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.

Rồi còn chi phí quản lý dự án, lãi trái phiếu vẫn phải trả và giảm hiệu quả đầu tư, chưa nói đến các hậu quả không đạt về lợi ích xã hội. Cuối cùng, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín giảm sút.

Giải pháp then chốt để thông tắc điểm nghẽn giải ngân chậm, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của người liên quan tại bộ, ngành, địa phương trong từng khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chính phủ cần coi việc này như một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, của bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, một biện pháp khá đơn giản mà người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội có thể làm ngay: nếu nơi nào còn chậm tiến độ, kiên quyết không phê duyệt dự án mới, vốn mới.

Nguồn: Ngọc An (tuoitre.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo