Ngành xây dựng Việt Nam bước vào giai đoạn ‘trưởng thành’

Đóng góp của ngành xây dựng vào giá trị GDP đạt đỉnh ở 6,3% trong năm 2017, là giai đoạn ngành được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Và trong bối cảnh tăng trưởng ngành chững lại, ngành xây dựng đang có dấu hiệu chuyển mình từ giai đoạn “Tăng trưởng chất lượng” sang “Trưởng thành”.

Cuối năm 2018, việc 2 nhà thầu lớn là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)Coteccons (CTD) liên tiếp trúng thầu ngàn tỷ khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam. Thực tế có nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau đối với mảng này, một mặt dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh lên cùng nhu cầu cực lớn từ thị trường bất động sản; mặt còn lại nhận định ngành xây dựng đang gặp một số khó khăn khi tín dụng nhà đất bị siết chặt, chi phí đầu vào tăng cao…

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ngành xây dựng đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn “trưởng thành” trong vòng đời của mình. Ghi nhận, giai đoạn 2015-2017 ngành đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trung bình vào khoảng 9%, nhiều công ty lớn đã tận dụng tốt giai đoạn đó để chiếm lĩnh thị phần, cho đến nay nổi lên tên tuổi HBC và CTD, cùng với Fecon cũng vừa ký thêm hợp đồng trị giá 1.000 tỷ đồng, trong đó có gói thầu tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và Nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án VinCity Gia Lâm, VinCity Đại Mỗ.

Bước sang năm 2018 – là một năm mang đến nhiều thách thức cho ngành – đặc biệt là đối với các công ty hoạt động trong phân khúc xây dựng nhà ở và thương mại. Và trong bối cảnh tăng trưởng ngành chững lại, các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán “Chi phí – Lợi nhuận”.

Thêm nữa, ngành xây dựng trở nên “chật chội” với nhiều đối thủ. Cạnh tranh trong ngành khốc liệt, sức ép giá đến từ chủ đầu tư dự án; và đặc biệt, môi trường pháp lý thắt chặt; đang là những rào cản lớn mà ngành phải đối mặt, VDSC nhấn mạnh.

Xây dựng tăng trưởng song hành cùng GDP Việt Nam

Hoà Bình, Coteccons liên tiếp nhận thầu ngàn tỷ vào mùa chuyển giao giai đoạn ngành xây dựng - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục thống kê.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy giá trị ngành xây dựng đang tăng tỷ lệ thuận với GDP từ năm 2005-2017. Ngoài ra, các kết quả kiểm tra thống kê với độ tin cậy 95% đã chứng minh rằng, xây dựng và GDP có mối tương quan rất cao, khoảng 97%, hay nói cách khác là hai biến số GDP và xây dựng có xu hướng tăng lên hoặc giảm xuống cùng nhau.

Đóng góp của ngành xây dựng vào giá trị GDP đạt đỉnh ở 6,3% trong năm 2017, là giai đoạn ngành được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Ngoài ra, ghi nhận trong suốt giai đoạn 2005-2012, cứ sau hai năm tăng, sẽ có một khoảng thời gian mà đóng góp của ngành vào GDP giảm mạnh, và các thời gian suy giảm này trùng với giai đoạn mà thị trường bất động sản khó khăn (2008-2009).

Song, độ dốc đường cong bắt đầu phẳng dần vào năm 2016, mặc dù vẫn đang đi lên nhưng với tốc độ chậm hơn. VDSC dự đoán rằng đóng góp vào GDP sẽ giảm xuống còn 6,2% vào năm 2019.

Hoà Bình, Coteccons liên tiếp nhận thầu ngàn tỷ vào mùa chuyển giao giai đoạn ngành xây dựng - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục thống kê.

Một số yếu tố khác được đem ra so sánh, và cũng cho ra những tín hiệu cho thấy ngành xây dựng đang bước vào giai đoạn “Trưởng thành”. Thứ nhất, năng suất của ngành, được tính bằng giá trị toàn ngành chia cho số lượng nhân viên làm việc trong ngành, đã giảm dần, và hầu như không tăng trưởng trong năm 2016-2017. Giá trị của năm 2016-17 là 70 triệu đồng/lao động mỗi năm. Về cơ bản, sự gia tăng số lượng công nhân, kết hợp với sự tăng trưởng thấp hơn trong giá trị của ngành, đã kéo tốc độ tăng trưởng trong năng suất ngành đi xuống.

Yếu tố thứ hai, ngành xây dựng bị phân mảnh cao do tính chất hoạt động và cơ sở khách hàng. Thứ ba, biến động trong doanh thu của ngành không đáng kể. Trong số 450 công ty xây dựng đã cổ phần hóa được phân tích, sự biến động trong doanh thu trong ba năm qua là dưới 20%. Ba điều trên ngụ ý rằng để phát triển, các công ty có thể phải thực hiện mua bán và sát nhập để tăng thị phần.

Hoà Bình, Coteccons liên tiếp nhận thầu ngàn tỷ vào mùa chuyển giao giai đoạn ngành xây dựng - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục thống kê.

Tựu trung lại, với sự đóng góp ổn định vào GDP, tốc độ tăng trưởng trong giá trị và năng suất ngành chững lại, ngành xây dựng đang chuyển mình từ giai đoạn “Tăng trưởng chất lượng’” sang “Trưởng thành”, quan điểm VDSC cho hay.

BBT

Nguồn: cafef.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo