Miền Trung tháo nút thắt quy hoạch để hút vốn đầu tư

Chiến lược thu hút dòng vốn mới

Năm 2020, Thừa Thiên Huế đặt kỳ vọng sẽ thu hút 20 dự án đầu tư, với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng đầu tư vào địa phương này. Cơ sở để lập kế hoạch trên là căn cứ vào kết quả thu hút đầu tư vào địa phương năm trước đó, bởi năm 2019, Thừa Thiên Huế có 39 dự án được cấp phép với tổng mức đầu tư 22.156 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với kế hoạch đề ra. Nhiều nhà đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ hội đầu tư như Vin Group, Sun Group, Công ty CP SOVICO, Tập đoàn FLC, Vietravel, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An…

Bất chấp những khó khăn do Covid-19 kéo dài nhiều tháng và bão lũ thường xuyên diễn ra trên địa bàn trong thời gian cuối năm, Thừa Thiên Huế vẫn đè ra mục tiêu như vậy là do địa phương này đã cụ thể hóa những lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư. Theo đó, Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vắcxin, sinh phẩm), giáo dục đào tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á, kể cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, năm qua, tỉnh tăng cường kêu gọi đầu tư vào ngành hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu đô thị, trong đó tập trung kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh và tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp và Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Rối đến Phú Yên – Từ một tỉnh thuần nông, những năm qua, Phú Yên đã có những chủ trương, chính sách và cách làm mới để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các địa phương trong cả nước nói chung, trên địa bàn khu vực miền Trung nói riêng về thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Phú Yên vẫn chưa có được nhiều dự án có tác động tích cực, lan tỏa tốt đến việc thu hút các nguồn vốn từ các khu vực trong nước để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.

Vùng Nam Phú Yên với nhiều tiềm năng lợi thế, thời gian đến sẽ được đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Yên. Hiện tỉnh Phú Yên cho phép 10 nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch đầu tư thuộc các lĩnh vực du lịch, đô thị, thương mại thủy sản. Ngoài ra, tỉnh cũng đang lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng dự án Khu công nghệ cao và dự án khu công nghiệp Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc.

“Giao thông thuận lợi đang là cơ hội rất lớn. Chúng tôi quyết tâm tận dụng cơ hội này để bứt phá”, ông Phạm Đại Dương Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói và cũng nhấn mạnh, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sắp tới, Phú Yên đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch phát triển, làm sao có được bản quy hoạch tốt nhất, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài…

Còn tại Hà Tĩnh, trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 với nội dung trọng tâm là phấn đấu thu hút khoảng 180 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD, trong đó vốn FDI khoảng 2,25 tỷ USD.

Cụ thể, những dự án đã và đang đăng ký đầu tư vào tỉnh này trong năm 2020, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; Tổ hợp sân gold, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm; Dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2; dự án khu đô thị thương mại dịch vụ biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ của Tập đoàn T&T; khu đô thị Hàm Nghi; Công viên trung tâm và khu đô thị Lam Hồng Garden Park City…

Cùng với đó, tỉnh tập trung kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đến hoạt động trên địa bàn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Intersack – Hàn Quốc…; đầu tư hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị trung tâm của tỉnh như TP. Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh.

Đồng thời, ưu tiên những dự án đầu tư chất lượng cao vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sau thép, du lịch – dịch vụ…

Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.375 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 112.900 tỷ đồng và 13,6 tỷ USD. Hà Tĩnh là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 70 dự án có tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ USD.

Gỡ “nút thắt” quy hoạch để tăng tốc thu hút đầu tư

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 – 2020 đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm. Thực tế, Đà Nẵng đã thực hiện khá thành công mục tiêu đó, mở ra nhiều cơ hội để thực hiện những chiến lược đột phá mới theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nổi bật nhất trong những đổi thay về hạ tầng của Đà Nẵng là hạ tầng đô thị. Câu chuyện quy hoạch của Đà Nẵng được “manh nha” từ những năm 2000, đến nay, để có một Đà Nẵng trong diện mạo mới, vai trò trung tâm dẫn giắt các tỉnh lân cận.

Đặc biệt, tại khu vực này, Đà Nẵng đang đầu tư thêm 3 khu công nghiệp mới, hình thành nên khu phi thuế quan, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành đô thị Hòa Vang, đô thị phía Tây Tây Bắc với quỹ đất rất lớn cho các nhà đầu tư. Không những vậy, đây cũng là khu vực Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng Cảng Liên Chiểu, nhà ga hàng hóa Kim Liên, Khu phức hợp giải trí quốc tế Làng Vân…, tạo một cú hích phát triển sôi động.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Đà Nẵng thu hút hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có 30.873  doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 212.509 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, thành phố Đà Nẵng có 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 115.713 tỷ đồng và 853 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,476 tỷ USD.

Từ thực tế đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2020-2025 với 57 dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều dự án hạ tầng đô thị quan trọng và có vốn đầu tư lớn như dự án Cảng Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị tổng vốn 12.636 tỷ đồng, dự án tuyến kết nối giao thông sân bay về phía Tây và nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng khai thác của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng tổng vốn 2.252 tỷ đồng, hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn có tổng vốn đầu tư dự kiến là 54.500 tỷ đồng. Cùng với đó là các dự án như: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng thành phố thông minh, Trung tâm Điều trị Ung bướu quốc tế chất lượng cao…

Và một Ninh Thuận, mà theo UBND tỉnh này, giai đoạn 5 năm tới (2021-2025) các địa phương trong tỉnh sẽ cần nguồn vốn khá lớn để đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế.

Văn phòng phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, hằng năm, UBND tỉnh đã công bố hàng loạt những dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong số đó, nổi bật nhất là Dự án Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc đường ven biển phía Nam (đoạn Mũi Dinh – Cà Ná). Dự án được quy hoạch khoảng 214,5 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Khu du lịch thể thao Nam Cương với mục tiêu xây dựng khu du lịch kết hợp các hoạt động thể thao trên cát, giải trí biển tổng hợp với các loại hình như: Nhà nghỉ bungalow, thể thao trên cát, trượt cát, tắm cát… Dự án có quy mô đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 150 ha.

Theo Người đồng hành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo