Market Insights #1: Giá thuê đất công nghiệp tăng mạnh – Triển vọng nhu cầu và sự xuất hiện của những “tay chơi” mới

(HOUSELINK) – Theo Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Việt Nam – Quý III/2020, với kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến của các công ty đa quốc gia, để đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất, các nhà đầu tư đang đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng cũng như phát triển các sản phẩm bất động sản công nghiệp.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối năm 2019 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, cũng như sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các quốc gia đã đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sản xuất ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Với kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến của các công ty đa quốc gia, để đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất, các nhà đầu tư đang đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng cũng như phát triển các sản phẩm bất động sản công nghiệp.

Trong khi bất động sản dân dụng, thương mại và du lịch nghỉ dưỡng đều bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID–19, chỉ còn bất động sản công nghiệp có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới. Bởi vậy, các nhà doanh nghiệp bắt đầu đổ xô sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, âm thầm chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Trong những “tay chơi” mới này phải kể đến những cái tên như ASG, Vingroup, Vạn Thịnh Phát và Thái Sơn, Sơn Hà, Bất động sản Phát Đạt, Geleximco.

Những hoạt động đầu tư mới hàng loạt này dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung để phát triển các khu công nghiệp mới. Kết hợp về triển vọng nhu cầu sẽ tăng đột biến sau khi dịch bệnh COVID 19 được kiểm soát, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đều đồng loạt tăng giá thuê đất.

Theo khảo sát của HOUSELINK, giá thuê đất tại một số khu công nghiệp đã tăng trung bình 10% so với Quý 2/2020. Dù thực tế số lượng giao dịch thực hiện thành công trong Quý 3/2020 là không nhiều. Điều này cho thấy sự tăng giá thuê không đến từ tình hình nguồn cung nhu cầu thực sự, mà đến từ kì vọng từ bên cung cấp.

Tuy nhiên, nhu cầu thực sự trong thời gian tới, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, có thể không tích cực được như kì vọng. Trong làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, không chỉ Việt Nam mà Ấn Độ và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng thực hiện những chính sách quyết liệt để thu hút FDI rời Trung Quốc.

Việt Nam từng rất kì vọng trở thành cơ sở sản xuất iPhone mới của Apple. Tuy nhiên, thực tế là Ấn Độ mới là địa điểm ông lớn này thực hiện lắp ráp điện thoại iPhone 11. Điều này cho thấy, bên cạnh những yếu tố về chính trị ổn định, hay vị trí địa lý gần chuỗi cung ứng điện tử; Việt Nam cần phải phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như thực hiện những cơ chế đặc biệt để thu hút những nhà đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn các doanh nghiệp sản xuất cũng không thể thực hiện chuyển dịch toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới về kế hoạch đầu tư trong ba năm tới (2019 2022), có đến 73% các nhà đầu tư sản xuất tại Trung Quốc phản hồi sẽ tiếp tục sản xuất tại đây, và chỉ có 5% phản hồi sẽ giảm quy mô đầu tư tại quốc gia này. Điều này cho thấy, các kế hoạch mở rộng sản xuất sang Ấn Độ và Đông Nam Á chỉ đang thực hiện với mục đích đa dạng hóa sản xuất, giảm thiểu rủi ro kinh doanh cũng như giảm bớt áp lực khi căng thẳng thương mại công nghệ Mỹ Trung ngày càng tăng cao.

Trong trung hạn, nguồn cung về bất động sản công nghiệp sẽ có xu hướng tăng đột biến. Trong khi đó, nhu cầu lại biến động mạnh và phụ thuộc cực kỳ lớn vào căng thẳng địa chính trị. Trong khi việc phát triển bất động sản công nghiệp theo phong trào, các chủ đầu tư không nghiên cứu kỹ lưỡng và thực sự hiểu về phân khúc này. Điều này có thể dẫn đến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong phát triển kinh doanh. Trước kia, các khu công nghiệp gần như không phải chủ động trong việc tìm kiếm nhà đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, thực tế đã thay đổi. Khi nguồn cung vượt quá nhu cầu thực tế, các khu công nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê, cũng như khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong dài hạn.

*Bài viết dựa trên Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Việt Nam – Quý III/2020 sắp phát hành của HOUSELINK được gửi đến hơn 50.000 chủ đầu tư sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan. 

Xem thêm: Báo cáo Tình hình phát triển Bất động sản Công nghiệp Việt Nam – Quý II/2020

*Liên hệ với HOUSELINK để được cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu tại nền tảng thông tin thị trường Xây dựng đầu tiên tại Việt Nam. Đăng ký tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.