Dược phẩm Cửu Long (DCL) mở rộng nhà máy sản xuất capsule và đầu tư nhà máy vật tư y tế

Ngày 30/12/2019, CTCP Dược phẩm Cửu Long (Pharimexco, HOSE – Mã chứng khoán: DCL) vừa công bố chủ trương đầu tư mở rộng Nhà máy capsule giai đoạn 4, giai đoạn 5 và đầu tư Nhà máy vật tư y tế.

Cụ thể, Dược phẩm Cửu Long dự kiến đầu tư 130 tỷ đồng cho mỗi giai đoạn mở rộng nhà máy sản xuất capsule, tổng cộng số tiền đầu tư cho 2 giai đoạn là 260 tỷ đồng. Mục đích là nhằm nâng công suất thêm 2.4 tỷ nang/năm mỗi giai đoạn.

Theo đó, dự kiến công suất mỗi năm của nhà máy sản xuất capsule sẽ được lần lượt nâng từ 5.5 tỷ nang lên thành 7.9 tỷ nang (giai đoạn 4, quý 2/2020) và 10.3 tỷ nang (giai đoạn 5, năm 2021).

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo DCL cũng vừa thống nhất thông qua chủ trương đầu tư Nhà máy vật tư y tế với công suất 480 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến, tổng vốn đầu tư là 231 tỷ đồng, thời gian thực hiện vào quý 2/2020 và hoàn thành vào quý 1/2021. Nhà máy mới dự kiến tọa lạc tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020 giá cổ phiếu DCL đang được giao dịch ở mức giá 27,900 đồng/cp, tăng đến gần 200% sau một năm.

Về tình hình kinh doanh, năm 2019 Dược phẩm Cửu Long ước đạt gần 90 tỷ đồng lợi nhuận. Con số này tăng mạnh so với lợi nhuận năm 2018, tiến gần đến mức đỉnh lợi nhuận trước đã đạt được vào năm 2016.

Theo tìm hiểu, Dược phẩm Cửu Long ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ trong quý I và quý II năm nay. Đến quý III/2019, lợi nhuận của Công ty tăng trở lại, nhưng luỹ kế 9 tháng đầu năm chỉ hơn chưa đến 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Con số lợi nhuận lớn đến chủ yếu từ quý IV/2019, trong đó có một phần không nhỏ từ hoạt động tái cấu trúc Công ty.

Dược phẩm Cửu Long đã có bước chuyển mình rất mạnh mẽ kể từ khi trở thành công ty thành viên của Tập đoàn F.I.T (năm 2015). Theo đó, ngay năm đầu tiên F.I.T trở thành công ty mẹ (năm 2015), lợi nhuận của DCL tăng trưởng gấp đôi so với con số 30 tỷ đồng của năm liền tước, và tiếp tục tăng trưởng trong những năm sau đó. Từ cuối năm 2017, do tác động chung của ngành về giá nguyên vật liệu, lợi nhuận của DCL đã bị tác động giảm, nhưng nhờ nỗ lực tái cấu trúc, năm 2018 đã là năm đáy về lợi nhuận.

Năm 2019, DCL đã bứt phá trở lại về kinh doanh, với việc tái cấu trúc công ty trong hệ thống DCL, công ty thu ròng hơn 190 tỷ đồng từ tiền thoái vốn.

Theo Thời báo Chứng khoán

   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo