Đón sóng đầu tư từ Nhật Bản

Dường như các nhà đầu tư Nhật Bản đang quyết tâm dẫn đầu dòng vốn FDI vào VN khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực.

Bằng chứng là ngay từ đầu năm 2019, Nhật Bản đã đăng ký mới và tăng thêm vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư, dẫn đầu 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

p/Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Saigon Precision (100% vốn của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Misumi), tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM. Ảnh: ST

Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Saigon Precision (100% vốn của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Misumi), tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM.

FDI từ Nhật Bản sẽ tăng tốc năm 2019

Mới đây, một đoàn khảo sát gồm 22 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo của Nhật Bản do ông Yasukazu Irino, Phó Chủ tịch thường trực JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản) làm trưởng đoàn đã sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Ông Yasukazu Irino tiết lộ rằng, năm nay JETRO sẽ tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam, trong đó, đoàn 22 doanh nghiệp này là đoàn đầu tiên, mở đầu cho chuỗi khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản theo đề nghị của Chủ tịch JETRO với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bên lề hội nghị Davos 2017.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các nhà đầu tư Nhật Bản đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam vì muốn tận dụng những cơ hội mới từ Hiệp định CPTPP.

Mặt khác, theo đại diện JETRO, thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhiều tổ chức của Nhật Bản trong việc đầu tư sang Việt Nam. Chẳng hạn, hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí quảng cáo, cung cấp thông tin thị trường và giúp kết nối với các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp Nhật bán hàng tại Việt Nam. Đây là một phần của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Nhật, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng xuất khẩu hàng hóa ra thế giới .

“Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, điều này chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng”, đại diện JETRO nhìn nhận.

Việt Nam sẵn sàng hấp thụ?

Tuy nhiên, ông Yasukazu Irino cho rằng, dù còn nhiều dư địa để nhà đầu tư Nhật đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn còn những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận chưa hợp lý. Ví dụ như việc chi trả chi phí phi chính thức cho thủ tục thông quan hải quan, hay những quy định hạn chế nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng…

“Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhận xét cơ chế để hỗ trợ quá trình chuẩn bị, cũng như giai đoạn đầu tư ban đầu rất tốt nhưng sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thì các hỗ trợ theo sau chưa đáp ứng được như kỳ vọng” – ông Yasukazu Irino chia sẻ.

Ông Takimoto Koji, đại diện JETRO TP HCM cho rằng, để có thể tận dụng được hết làn sóng đầu tư này từ Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam lẫn doanh nghiệp Việt nên chú tâm vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Vì trong tương lai, việc ứng dụng robot vào sản xuất là tất yếu, khi đó các nhà máy sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao có thể điều khiển robot. Đồng thời chú trọng hơn nữa việc đầu tư phát triển hạ tầng – nhất là giao thông, và năng lượng.

Theo các chuyên gia, FDI Nhật Bản kéo theo những cơ hội hợp tác thương mại. Khi khả năng kết nối với thị trường này ngày càng lớn, thì không chỉ doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam, mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn “với tay” tới các thị trường Nhật cũng sẽ dốc vốn đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên; chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, ưu đãi quá mức cần thiết làm giảm thiểu lợi ích quốc gia.

Nguồn: enternews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo