Doanh nghiệp Việt cẩn trọng với lệnh áp thuế mở rộng với nhôm, thép vào Mỹ

Doanh nghiệp nhôm, thép của Việt Nam cần hết sức cẩn trọng với quy định mở rộng Lệnh áp thuế theo Mục 232 đối với các sản phẩm thép và nhôm thứ cấp nhập khẩu vào Hoa Kỳ mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố.

Theo tin mới nhất từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã mở rộng lệnh áp thuế theo Mục 232 về vấn đề an ninh quốc gia của Đạo luật Thương mại mở rộng 1962 đối với một số sản phẩm nhôm và thép thứ cấp (sản phẩm được làm từ nhôm và thép) nhập khẩu vào Hoa Kỳ khi cho rằng các nhà sản xuất nước ngoài có hành vi “lẩn tránh” lệnh áp thuế theo Mục 232.

Lệnh áp thuế mở rộng theo Mục 232 được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất từ nhôm (dây, cáp nhôm, vỏ máy, …) gồm các mã HS: 7614.10; 7614.90; 8708.10; 8708.29 và từ thép (đinh thép, dập ghim, vỏ máy…) gồm các mã HS: 7317.00; 8708.10; 8708.29.

Mức thuế áp dụng là 10% với sản phẩm nhôm; 25% với sản phẩm thép và không có thời hạn áp dụng.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng áp dụng cơ chế miễn trừ đối với các quốc gia: đối với nhôm từ Achentina, Australia, Canada và đối với thép nhập từ Achentina, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc.

Điểm đáng chú ý, theo Mục 232 của Đạo luật Thương mại 1962, cho phép Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra xem liệu hoạt động nhập khẩu có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia Hoa Kỳ hay không.

Năm 2018, Hoa Kỳ đã áp thuế đối với hai sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu khi cho rằng việc nhập khẩu hai mặt hàng này đang đe dọa tới vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), kim ngạch hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi biện pháp mở rộng này trong năm 2019 là khoảng 785 triệu USD với thép và 480 triệu USD với nhôm.

Trong đó, kim ngạch các sản phẩm thứ cấp của nhôm và thép được Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2019 lần lượt là 1,8 triệu USD và 1,63 triệu USD, chiếm tỷ trọng tương ứng là 0,38% và 0,21% tổng kim ngạch các mặt hàng nhôm và thép thứ cấp được nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Quy định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ, các nhà nhập khẩu có thể nộp yêu cầu miễn trừ áp dụng biện pháp này theo từng trường hợp cụ thể (Ví dụ như: Hoa Kỳ không sản xuất chủng loại hàng hóa đó hoặc sản xuất không đủ nhu cầu trong nước).

Liên quan đến quyền lợi của các nhà xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nhôm và thép thứ cấp nêu trên sang Hoa Kỳ cần trao đổi với đối tác nhập khẩu để xem xét đề nghị miễn trừ trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu thỏa mãn các điều kiện được miễn trừ.

Theo Báo Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo