TP Đà Nẵng sẽ làm chủ đầu tư dự án cảng Liên Chiểu

Chiều 2/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT có buổi làm việc với TP Đà Nẵng. 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn dự báo số lượng hàng qua cảng Tiên Sa tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt qua năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) sau năm 2020 và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của tuyến đường bộ giao thông kết nối cảng đi qua nội đô TP Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng môi trường và tác động tiêu cực đến định hướng phát triển du lịch của TP.
Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì, phối hợp Bộ KH-ĐT và các bộ liên quan sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư dự án để chủ động trong việc triển khai dự án.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề xuất Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan thuộc UBND TP Đà Nẵng hoàn chỉnh phương án đầu tư, nguồn vốn thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm TP.
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Đà Nẵng là thành phố quan trọng nhất của khu vực miền Trung, do đó yêu cầu phát triển giao thông vận tải các loại hình cũng rất quan trọng và cấp thiết. Về dự án cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhất trí giao TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Riêng việc di dời ga Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần phải báo cáo Chính phủ bố trí vốn thực hiện theo đề xuất của lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Liên quan đến vụ việc dân bao vây đòi đóng cửa nhà máy thép (SGGP đã thông tin), chiều 2-3, tại xã Hòa Liên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thông báo chủ trương của Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng về việc xử lý hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, thành phố yêu cầu hai nhà máy thép này di dời đi nơi khác, đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương di dời các hộ dân hai bên nhà máy. Tuy nhiên người dân mong UBND TP Đà Nẵng xử lý lượng xỉ tồn tại hơn 10 năm qua nhà máy để lại, nhằm đảm bảo sức khỏe cho bà con. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo huyện Hòa Vang rà soát lại việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại về sản xuất của bà con trong thời gian qua.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo