Công nghệ khoan hạ cọc – Giải pháp thi công nền móng tối ưu cho các công trình xây chen

Trong bối cảnh đô thị hóa đạt 38% năm 2018 và dự đoán sẽ đạt 40% trong năm 2019, các công trình xây chen trở nên khá phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, cần đưa ra giải pháp về thi công nền móng như thế nào để không gây ảnh hưởng công trình lân cận.

Tại các thành phố lớn, sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà cao tầng, mật độ nhà ở dày đặc là một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều đó cũng dấy lên nhiều lo ngại khi việc sử dụng phương pháp thi công nền móng cọc truyền thống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình lân cận và môi trường sống.

Ngoài ra, không gian nhỏ hẹp cũng gây trở ngại đến việc bố trí các thiết bị máy móc của phương pháp thi công cọc nền móng truyền thống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Năm 2010, Phan Vũ tiên phong đưa công nghệ khoan hạ cọc xuất hiện tại Việt Nam. Sau một thời gian ngắn, công nghệ khoan hạ cọc đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư, bởi đây là giải pháp thi công an toàn cho công trình kế bên khi xây chen.

Giải pháp an toàn cho công trình kế bên

Đối với nhà cao tầng thì móng cọc vẫn được nhiều chủ đầu tư lựa chọn vì những ưu điểm nhất định của nó. Tuy nhiên, trong quá trình thi công cũng gây không ít ảnh hưởng tới các công trình kế bên bởi các tác nhân gây lún, nứt và tác động không nhỏ đến việc quản lý chất lượng, chi phí và tiến độ hoàn thành công trình.

Khoan hạ cọc là phương pháp thay thế vật liệu nền, không gây chèn ép, giảm biến động độ cứng tổng thể của đất nền nguyên trạng, không hình thành áp lực dư trong nền đất khi thi công. Do đó, khoan hạ cọc được xem như một giải pháp thi công nền móng tối ưu cho các dự án cao tầng xây chen.

Đảm bảo an toàn cho công trình lân cận khi thi công khoan hạ cọc
Đảm bảo an toàn cho công trình lân cận khi thi công khoan hạ cọc

Thực tế đã ghi nhận trong thời gian vừa qua, phần lớn các vụ công trình xây dựng làm sụt lún, nứt nhà liền kề là do phương pháp thi công chưa phù hợp, lựa chọn phương án thi công thiếu an toàn… Thi công đào móng hở, đóng cọc hoặc ép cọc là các giải pháp tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, thi công đào móng hở nếu không có tường vây đảm bảo an toàn sẽ dễ dẫn đến sự cố hư hỏng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận. Thi công ép cọc lại gây chèn ép đất nền, không chỉ làm ảnh hưởng đến nhà bên cạnh (nứt tường…) mà còn ảnh hướng trực tiếp đến bản thân hệ cọc của công trình đang thi công. Đối với phương pháp thi công đóng cọc bằng búa Diesel, do quá trình thi công gây tiếng ồn, chấn động và ô nhiễm môi trường nên hầu như không được phép thực hiện ở các đô thị hoặc gần khu vực dân cư.

Hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường

Cọc khoan hạ có khả năng tối ưu hóa vật liệu cọc, tải trọng thiết kế khai thác trên từng cọc đơn lớn giúp giá thành cơ sở chiếm lợi thế cạnh tranh so với cọc khoan nhồi. Bên cạnh đó, cọc khoan hạ được sản xuất tại nhà máy nên công tác kiểm soát chất lượng dễ dàng, kiểm soát được tiến độ thi công và ngân sách.

Dự án Tây Hồ Tây (Hà Nội) - Phan Vũ thi công bằng công nghệ khoan hạ
Dự án Tây Hồ Tây (Hà Nội) – Phan Vũ thi công bằng công nghệ khoan hạ

Thi công theo đúng cao độ thiết kế nên cọc khoan hạ không có vật liệu dư thừa, không phải loại bỏ đầu cọc sau khi thi công như các phương pháp đóng, ép hay cọc khoan nhồi. Bên cạnh đó, cọc khoan hạ không cần thiết phải sử dụng thành phần polyme hoặc bentonite để khoan mà chỉ sử dụng nước đơn thuần đánh trộn với xi măng kết hợp với đất nguyên thổ tạo thành bê tông xi măng đất, tránh gây các ảnh hưởng không muốn như lầy lội, ô nhiễm môi trường, tắc mạch nước, giảm hiệu quả ma sát thành cọc.

Có thể nói, khoan hạ cọc hiện đang là giải pháp thi công nền móng tối ưu nhất hiện nay cho các công trình cao tầng xây chen. Một giải pháp mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho chủ đầu tư và thân thiện hơn với môi trường sống.

CafeF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo